Hỗ trợ, tháo gỡ gó khăn do COVID-19: Dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, cần chính sách tài khóa phối hợp

Bùi Trang| 15/10/2021 07:23
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do COVID-19 của ngành ngân hàng và giải pháp trong thời gian tới.

 

 

Ngành ngân hàng nhiều lần giảm lãi suất, miễn, giảm phí, cơ cấu lại nợ…

Theo báo cáo, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, NHNN đã 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm). Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn.

Trong các tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Thông qua Hiệp hội Ngân hàng, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tháng 8/2021, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay; mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và giảm thêm 0,66%/năm trong 8 tháng đầu năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chi tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD. Kết quả. tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đến ngày 6/10/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ tăng 5,48%), tăng 14,13% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ngày 7/9/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện cho TCTD tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 27/9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 278.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 238.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

Đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 27/9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Các TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bao gồm (1) cho vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc, (2) cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, (3) Tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay, (4) Tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.

NHNN triển khai nhiều giải pháp về thanh toán và thông tin tín dụng như giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với tổng số tiền dự kiến cả năm 2021 khoảng 345 tỷ đồng; miễn, giảm phí chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, với tổng số tiền dự kiến giảm trong năm 2021 khoảng 1.212 tỷ đồng; các TCTD tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng tương ứng với số phí NHNN đã giảm; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt …

Nhiều vướng mắc, khó khăn

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng giảm có thể dẫn đến dòng vốn dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản... khiến thị trường tăng “nóng” ở một số thời điểm. Đến ngày 22/9/2021, huy động vốn tăng 4,55% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 7,7% so với cuối năm 2019).

Nợ xấu nội bảng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng do khách hàng vay vốn tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ suy giảm.

Việc giãn cách xã hội trên diện rộng tại một số địa phương gây ra khó khăn trong quá trình thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng.

Khách hàng vay vốn theo một số chương trình, chính sách tín dụng có hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2010/TT-NHNN nhưng theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa được hưởng hỗ trợ lãi suất. Triển khai cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động còn phụ thuộc vào nhu cầu vay của doanh nghiệp, trong khi khó khăn về đầu ra tiêu thụ, triển rủi ro khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế vay mới (kể cả được ưu đãi) và chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh do lo ngại không có khả năng trả nợ.

Dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, cần chính sách tài khóa phối hợp

NHNN đánh giá dư địa chính sách tiền tệ, tín dụng ngày càng hạn hẹp trong điều kiện rủi ro lạm phát gia tăng và dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu.

Lạm phát năm 2021 có thể được kiểm soát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra nhưng lạm phát năm 2022 đối mặt với nhiều áp lực kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy: xu hướng tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới; xu hướng tăng giá thực phẩm; chuỗi cung ứng trong nước và thế giới phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.

Để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch, NHNN đã cắt giảm nhanh, mạnh và liên tục với 3 lần lãi suất điều hành trong năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 9 tháng đầu năm 2021, đồng thời tiếp tục đưa tiền ra và duy trì thanh khoản hệ thống các TCTD dồi dào. Theo đó, hiện nay, vốn khả dụng của các TCTD dư thừa ở mức cao, lãi suất liên ngân hàng giảm và giao dịch ở mức thấp dưới 1%/năm, giảm 0,78 -2,4%/năm các kỳ hạn so với đầu năm 2020. Hơn nữa, việc điều hành giảm lãi suất cần cân đối giữa lợi ích của người gửi tiền và người đi vay.

Việc nới lỏng tiền tệ theo đó lãi suất huy động và cho vay giảm trong thời gian dài, có thể khiến dòng tiền đổ vào và làm tăng “nóng” thị trường chứng khoán, bất động sản, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định tài chính quốc gia. Đây là thực tế diễn ra thời gian qua tại một số nước như Anh, Canada, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và được nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, BIS cảnh báo.

NHNN đánh giá chính sách cơ cấu lại nợ chỉ là giải pháp tình thế. Hiện, tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 359.259 tỷ đồng. Số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến 30/6/2021 là 52.222,4 tỷ đồng; số tiền dự phòng cụ thể đã trích bổ sung đến 30/6/2021 là 26.302,8 tỷ đồng (đạt 50,37%).

Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng, cần sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp về chính sách tài khóa và thực hiện các cơ chế đặc thù.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm thực hiện được mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do COVID-19, dành tối đa mọi nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế tập trung vào các đối tượng, ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, thực sự khó khăn. Phối hợp đồng bộ với các giải pháp về chính sách tài khóa và các cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ, tháo gỡ gó khăn do COVID-19: Dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp, cần chính sách tài khóa phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO