(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau cuộc họp định kỳ tháng 10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 27/10 thông báo nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, đánh dấu đợt nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Đồng thời, ECB quyết định giảm bớt hỗ trợ cho các ngân hàng châu Âu.
Nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và còn nhiều đợt tăng lãi suất tiếp theo
Quyết định ngày 27/10 của ECB đã nâng lãi suất chuẩn từ 0,75% lên 1,5%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trước đó, ECB cũng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 7 và 75 điểm cơ bản trong tháng 9.
Tuy nhiên, ECB xác nhận, lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa chấm dứt.
“Với lần tăng lãi suất chính sách thứ ba liên tiếp này, Hội đồng Thống đốc đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc rút dần các gói kích thích tiền tệ. Hội đồng Thống đốc dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát kịp thởi trở lại mục tiêu trung hạn 2%”, ngân hàng trung ương cho biết.
ECB tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp để đối phó với lạm phát kỷ lục |
Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) liên tục tăng và theo đánh giá sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), mức lạm phát tháng 9/2022 trong khu vực lên tới 9,9%, cao hơn nhiều so với mức 9,1% ghi nhận trong tháng 8 và là mức cao kỷ lục kể từ khi đồng EUR chính thức ra đời.
Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, giá thực phẩm chưa chế biến cũng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá hàng hoá công nghiệp không sử dụng năng lượng, như các dịch vụ, cũng tăng mạnh hơn.
Một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán ECB sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12. Hiện ECB chưa phát tín hiệu về cường độ tăng lãi suất trong tương lai và nhấn mạnh quyết định lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới.
“Chúng tôi phải làm những điều cần phải làm”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định trong buổi họp báo sau khi quyết định nâng lãi suất được đưa ra. Người đứng đầu ECB cũng nói thêm, quá trình "bình thường hóa" chính sách tiền tệ vẫn chưa kết thúc.
Giảm hỗ trợ cho các ngân hàng châu Âu
Sau nhiều suy đoán trên thị trường, ECB cũng đã đưa ra quyết định thay đổi điều khoản và điều kiện của Chương trình tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (TLTRO). Đây là công cụ cung cấp cho các ngân hàng châu Âu với các điều kiện vay vốn hấp dẫn, được triển khai với mục tiêu khuyến khích hoạt động cho vay tới nền kinh tế thực.
Tuy nhiên, do ECB nâng lãi suất nhanh hơn dự báo trong bối cảnh lạm phát quá cao, các ngân hàng tại châu Âu vừa hưởng lợi từ việc vay ưu đãi từ chương trình TLTRO và vừa cho vay lãi suất cao hơn. Theo CNBC, tình huống khiến các ngân hàng châu Âu trông giống như đang được trợ cấp.
“Trong giai đoạn đại dịch cấp bách, công cụ này đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu rủi ro tác động tới sự ổn định giá cả. Hiện nay, khi đối mặt với đà tăng bất ngờ và bất thường của lạm phát, chúng tôi cần điều chỉnh lại công cụ này”, ECB cho biết trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp.
Theo đó, lãi suất áp dụng cho chương trình TLTRO III sẽ được điều chỉnh từ ngày 23/11 và các ngân hàng sẽ được cung cấp các ngày trả nợ trước hạn một cách tự nguyện.
Trong một thay đổi khác, ECB cũng cho biết, các khoản dự trữ tối thiểu sẽ được trả theo lãi suất tiền gửi. Quyết định này sẽ khiến chi phí cho vay của các ngân hàng tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, ECB hiện chưa nói rõ về thời điểm bắt đầu kế hoạch giảm số dư trên bảng cân đối kế toán 8.800 tỷ EUR (tương đương 8.800 tỷ USD). Đây cũng là thông tin mà những người tham gia thị trường đang chờ đợi.
Chủ tịch ECB cho biết, các điều kiện để thực hiện thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ được thảo luận vào cuộc họp tháng 12 tới và quyết định sẽ được đưa ra sau khi xem xét 3 yếu tố chính là triển vọng lạm phát, các biện pháp đã thực hiện và tác động của chính sách đến thực tiễn.
Đồng EUR giảm so với USD sau thông báo từ ECB. Đồng tiền chung châu Âu có lúc xuống thấp hơn USD trước khi hồi phục nhẹ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ châu Âu cũng giảm sau quyết định này.