Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

ESG - Cơ hội xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam

Quỳnh Dương 22/12/2023 08:24

Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG

Bộ chỉ số ESG (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị) là một trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm thiểu chi phí và rủi ro trong dài hạn thông qua triển khai các công nghệ mới và nâng cao hiệu quả vận hành, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…. Do đó, ESG đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp" do Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều ngày 21/12, TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, thực thi Bộ chỉ số ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vừa là cơ hội vừa là thách thức, vừa phải thận trọng nhưng cũng phải khẩn trương để góp phần thực hiện hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Ngành Ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro tín dụng. Chính vì vậy, ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG, tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

ptdtu1-1703162135981868783584-2.jpg
TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

Việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã thể hiện cam kết của Việt Nam đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Luật đặt ra khuôn khổ để Ngân hàng Nhà nước triển khai các chính sách liên quan nhằm bảo vệ môi trường thông qua dòng vốn đầu tư.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong tiến trình tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động của ngành Ngân hàng.

Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu theo Quyết định số 1408/QĐ- NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh trọng tâm vào việc triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017 về báo cáo cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môitrường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ngày 23/12/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho thấy nỗ lực đáng kể của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hội nhập vào xu thế chuyển đổi ESG của các ngân hàng trung ương trong khu vực.

Chia sẻ từ góc độ thực tiễn tại các ngân hàng thương mại, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển. BIDV đã nghiên cứu triển khai đa dạng các sản phẩm xanh, bền vững nhằm đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, bền vững của nền kinh tế.

Cụ thể, đến ngày 30/11, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm trên 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)...

Nỗ lực đồng bộ để vượt qua thách thức

Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG…

bantron2-1703162213946362903891(1).jpg
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo

Từ kinh nghiệm tiên phong trong thực thi ESG tại BIDV, ông Trần Phương cho biết, đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng.

Ngoài ra, lực lượng nhân sự ngân hàng có kiến thức kĩ thuật chuyên sâu về các yếu tố môi trường, xã hội và bền vững để đánh giá, thẩm định dự án/khoản vay còn tương đối hạn chế.

Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam mới tiếp cận ban đầu với định hướng phát triển bền vững và thực hành ESG, nhất là việc quản lý các rủi ro về môi trường. Do đó, sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành thực hiện chuyển dịch hoạt động từ kinh doanh thương mại thông thường sang phát triển bền vững.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững cần tiếp tục được xây dựng và ban hành với mức khuyến khích đủ lớn.

Trong khi đó, theo ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, các thách thức chung về ESG cho các ngân hàng tại Việt Nam bao gồm: tốc độ thay đổi các quy định pháp lý; sự thiếu hài hoà giữa các chính sách gây khó khăn trong việc áp dụng các khung báo cáo chung; việcmở rộng kinh doanh hiện tại để đáp ứng các yêu cầu mới về ESG rất tốn kém.

Không những thế, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh chỉ ra thêm, mô hình hoạt động thực thi ESG tại ngân hàng còn rời rạc; các yêu cầu về dữ liệu không rõ ràng và thiếu các nguồn dữ liệu phù hợp; năng lực công nghệ thông tin của nền tảng cần được thay đổi; chuyên môn hoá cao trong tổ chức dẫn đến nhhững đứt gãy trong giao tiếp về chiến lược và thời gian….

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết thêm, biến đổi khí hậu là thách thức cấp bách nhất mà thế giới cũng như Việt Nam ngày nay phải đối mặt.

"Chính phủ, các bộ, ngành ở Việt Nam cần tiếp tục đồng hành, phối hợp hài hòa trong xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh", bà Michele Wee góp ý.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và nỗ lực của chính các ngân hàng, mục tiêu ESG đặt ra tại các ngân hàng Việt Nam có thể thực hiện được.

Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và quy định bắt buộc liên quan tới ESG để tạo động lực cho các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh các quy định hiện hành để khuyến khích ngân hàng chủ động áp dụng ESG. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chủ động xây dựng chiến lược, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…

“Những nỗ lực tích cực và đồng bộ của các bên liên quan sẽ giúp ngành Ngân hàng Việt Nam dần khắc phục được các thách thức và đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển trong thập kỷ sắp tới. Với chiến lược có chủ đích và nỗ lực phối hợp, các ngân hàng có thể vượt qua những trở ngại để hoàn toàn tích hợp các yếu tố ESG như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ESG - Cơ hội xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO