Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại

Lê Thị Kim Xuân| 05/11/2020 17:24
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhằm giúp các NHTM hiểu rõ hơn về “trọng tài và hòa giải” - các phương thức hiệu quả về giải quyết tranh chấp hợp đồng, sáng ngày 3/11/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. Hồ Chí Minh (TRACENT) đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải quyết tranh chấp Hợp đồng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bằng phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại”.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; bà Lê Thị Lệ Duyên - Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án Dân sự TP. Hồ Chí Minh; đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; cùng gần 100 đại biểu là cán bộ quản lý và chuyên viên các phòng/ban: pháp chế, pháp lý, kiểm toán nội bộ, xử lý nợ, khách hàng doanh nghiệp của các NHTM và các trọng tài viên, luật sư của các Trung tâm Trọng tài trên địa bàn thành phố.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đánh giá cao chủ đề và nội dung hội thảo do VNBA và TRACENT phối hợp tổ chức. TS Bình cho biết: Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng các phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại. Hàng năm Cục Thi hành án Dân sự TP.Hồ Chí Minh phải thực hiện giải quyết khoảng 120.000 vụ việc.

Sau Luật Trọng tài thương mại ban hành ngày 17/6/2010, Bộ Tư pháp đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017 về hòa giải thương mại. Thực tế hiện nay, tâm lý các bên tranh chấp vẫn thường muốn nhờ tòa án giải quyết, nên tạo áp lực khiến tòa án phải thụ lý nhiều vụ việc.

Trọng tài thương mại và hòa giải thương mại - là những phương thức giải quyết tranh chấp mới, cần phải được đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu và áp dụng khi giải quyết tranh chấp; đội ngũ trọng tài viên cần nâng cao chất lượng nhằm giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại phát huy hiệu quả, góp phần giảm tải số vụ xét xử của tòa án.

Sau phát biểu của TS. Nguyễn Thanh Bình, các diễn giả là luật sư, trọng tài viên đã trình bày các nội dung xoay quanh những vấn đề về thỏa thuận trọng tài trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, hòa giải thương mại; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại; thực tiễn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thời gian qua và các vấn đề cần lưu ý....

Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo cũng đã cùng nhau thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo như:

(i) Trong tranh chấp Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa người mua nhà và Chủ đầu tư, thì Hợp đồng Cấp tín dụng, chứng thư bảo lãnh của ngân hàng là có thời hạn, và gần như không còn tác dụng nếu chủ đầu tư sai phạm về dòng tiền trong thời gian chậm thực hiện dự án, dự án kéo dài thì có được yêu cầu dùng để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ko? Cách tính phí yêu cầu đảm bảo ra sao? Trung tâm Trọng tài thương mại được quyền gì nếu giải quyết theo hình thức trọng tài? Nếu dẫn đến hậu quả phải bồi thường sau tranh chấp kéo dài quá hạn Chứng thư Bảo lãnh thì cần làm gì để phối hợp với ngân hàng để áp dụng việc xử lý các tài sản thế chấp mà Chủ đầu tư đã thế chấp để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà?

(ii) Làm thế nào để người dân hiểu rõ hơn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu quả và nhiều lợi thế hơn giải quyết tranh chấp theo khởi kiện vụ án …?

(iii) Việc ngân hàng ghi tranh chấp ở trọng tài hoặc tòa án do nguyên đơn lựa chọn có hợp lệ hay không? Nếu ngân hàng chọn kiện ra trọng tài và sau đó hoặc cùng lúc bên vay khởi kiện ra tòa án thì ai tiếp tục giải quyết? Ai phải đình chỉ?

(iv) Trọng tài thương mại có thẩm quyền xét xử yêu cầu xử lý tài sản theo hợp đồng bảo đảm không? Việc Trọng tài xử vắng mặt của bị đơn sẽ thực hiện trên cơ sở pháp luật nào?

(v) Nếu đương sự yêu cầu áp dụng “Biện pháp khẩn cấp tạm thời” và Hội đồng Trọng tài đã có đề nghị Tòa án ra quyết định áp dụng “Biện pháp khẩn cấp tạm thời”, nhưng Tòa án từ chối. Nhận thấy cơ sở từ chối là không phù hợp, thì người yêu cầu áp dụng “Biện pháp khẩn cấp tạm thời” sẽ khiếu nại tòa hay trọng tài?

(vi) Thủ tục để toà công nhận quyết định hoà giải của trung tâm hoà giải?

(vii) Đối với tranh chấp tín dụng tiêu dùng, tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán, tiết kiệm thì có bị điều chỉnh bởi Điều 17 không?

(viii) Trọng tài thương mại có thẩm quyền xét xử yêu cầu xử lý tài sản theo hợp đồng bảo đảm không?

Quang cảnh thảo luận tại hội thảo

Hội thảo nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu về phương thức tổ chức cũng như ý nghĩa của những thông tin được đề cập. Thông qua hội thảo, các đại biểu hiểu biết thêm về những khó khăn và hướng giải quyết để nâng cao hiệu quả của trọng tài và hòa giải áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Các đại biểu dự hội thảo bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ thêm có những hội thảo tương tự được tổ chức đề cập đến một số nội dung như: thực tiễn thi hành án các phán quyết của trọng tài; bên cạnh những ưu điểm, cần nêu các nhược điểm của việc áp dụng trọng tài thương mại; giới thiệu thêm các vụ án đã giải quyết; nên có các bài học kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng bằng phương thức trọng tài và hòa giải; cam kết của Việt Nam về việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài theo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết; phí trọng tài như thế nào là hợp lý; về người thứ ba liên quan có được mời đến tham gia giải quyết trọng tài không? các tình huống thực tiễn trong quá trình xử lý nợ thông qua phương thức trọng tài…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO