“Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân”

Mai Phan| 04/10/2019 21:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đó là chủ đề của Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức ngày 4/10/2019 tại TP. Hội An. Hội thảo là cơ hội giúp các tổ chức tín dụng hội viên HHNH được nghe, trao đổi, thảo luận với lãnh đạo các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý về những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thiếu tướng Dương Văn Thăng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Tòa án Nhân dân tối cao, các tòa án địa phương; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hiệp hội Ngân hàng và đông đảo các tổ chức tín dụng hội viên…

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - cho biết: Trong số các tranh chấp kinh doanh thương mại, tranh chấp phát sinh từ hoạt động tín dụng ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vụ án đã thụ lý, giải quyết và việc giải quyết hiệu quả loại tranh chấp này có ý nghĩa quan trọng cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng (chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam xếp thứ 66 trong tổng số 190 quốc gia theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy lưu thông tiền tệ của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - phát biểu khai mạc hội thảo

“Trong 5 năm trở lại đây, với sự phát triển ngày càng hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng đã từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức”, bà Nguyễn Thúy Hiền nói.

“Đặc biệt, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Cùng đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành nhiều nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật liên quan đến tranh chấp tín dụng như Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017; Nghị quyết số 03/2018/NQHĐTP ngày 15/5/2018; Nghị quyết số 01/2019/HĐTP ngày 11/1/2019…. Những văn bản này góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết tranh chấp liên quan hợp đồng tín dụng, góp phần làm giảm lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, bà Hiền cho biết thêm.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án trong thời gian vừa qua cho thấy, cùng với sự gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp của các tranh chấp hợp động tín dụng, việc xét xử các loại vụ việc này cũng phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thể chế, năng lực xét xử của Tòa án… dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết trong thời gian dài, qua nhiều cấp xét xử, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Vì vậy, việc phối hợp tổ chức hội thảo này là hoạt động có ý nghĩa nhằm trao đổi, thảo luận về các vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng và các tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng) khác trong lĩnh vực ngân hàng tại Tòa án hiện nay và thực tiễn giải quyết tại Tòa án các cấp; chia sẻ kinh nghiệm về việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng và đưa ra những khuyến nghị để phòng tránh, hạn chế, giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh, đề xuất bản án, quyết định của tòa án trong lĩnh vực ngân hàng phát triển thành án lệ, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Trên cơ sở ý kiến tham luận của các đại biểu, chuyên gia, các Thẩm phán ngày hôm nay, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổng hợp và nghiên cứu, ban hành hoặc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật nếu cần thiết.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký HHNH - phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký HHNH làm rõ hơn mục đích của việc tổ chức hội thảo. Theo đó, qua thực tế hoạt động, các TCTD hội viên phản ánh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp như: Vướng mắc, bất cập của pháp chế về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án về giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm, về rút một phần yêu cầu khởi kiện, về giao nộp tài liệu chứng cứ; Vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án, về xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, về xác định triệu tập đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng,… Bên cạnh đó, các TCTD hội viên cũng gặp rất nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành các bản án, giải quyết tranh chấp về tín dụng tại cơ quan thi hành án dân sự như vướng mắc về xử lý tranh chấp đối với tài sản thi hành án, về thời gian thi hành án kéo dài, về xác minh tài sản thi hành án…

Đại diện tổ chức tín dụng trình bày vướng mắc

Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Trao đổi, thảo luận về các vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng tại Tòa án hiện nay và thực tiễn giải quyết tại Tòa án các cấp; Kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các tranh chấp về tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng; Kiến nghị, giải pháp /Đề xuất những bản án, quyết định, tình huống có thể phát triển thành án lệ hoặc xây dựng văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong giải quyết các tranh chấp về tín dụng.

Hội thảo diễn ra trong không khí hết sức thẳng thắn và cởi mở. Ngay sau phần trình bày của đại diện các tổ chức tín dụng về những vướng mắc và khó khăn gặp phải trong quá trình tham gia giải quyết các tranh chấp về tín dụng và tranh chấp dân sự khác tại tòa án nhân dân, ông Hoàng Ngọc Thanh - Chánh án Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, ông Lê Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Tiến - Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán Lê Tư - Chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và nhiều thẩm phán, đại diện cơ quan có liên quan, các chuyên gia… đã có phản hồi làm rõ cụ thể với những nội dung được nêu qua thực tiễn giải quyết các vụ việc.

Trao đổi của đại diện phía Tòa án

Từ những chia sẻ và phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tranh chấp liên quan hợp đồng tín dụng như quy định của pháp luật, do lỗi khách quan, chủ quan của một số thẩm phán, sự hợp tác của các đương sự và lỗi từ phía cán bộ của tổ chức tín dụng. Do vậy để giảm thiểu tranh chấp và rủi ro khi giao kết hợp đồng tín dụng nhiều khuyến nghị đã được các đưa ra để các bên tham gia cùng xem xét, tham khảo.

Ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc NHNN khẳng định hội thảo hôm nay là dịp để ngành Ngân hàng trình bày những vướng mắc cùng các đại biểu từ tòa án các cấp trao đổi về thực trạng xử lý hiện nay, trên cơ sở đó rút ra được nguyên nhân thực sự, đồng thời đưa ra hướng xử lý, kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan, hướng dẫn thực hiện rõ hơn. Qua đây tìm được cách giúp giải quyết, hài hòa lợi ích các bên tham gia, khơi thông được dòng vốn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cũng theo ông Đoàn Thái Sơn, được nghe trao đổi quan điểm từ góc độ tòa với ngành ngân hàng và nhiều ý kiến giá trị giúp ngành ngân hàng chấn chỉnh, hoàn thiện hơn, xử lý công việc tốt hơn trong tương lai.

Đánh giá các vấn đề chung nêu ra tại hội thảo, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, qua trao đổi nhận thấy các vướng mắc được nêu bắt nguồn từ quy định pháp luật, việc áp dụng pháp luật, từ thực tiễn xét xử và thi hành án… do đó thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về tín dụng ngân hàng, pháp luật về dân sự, kinh doanh thương mại….; Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng (tập hợp các vướng mắc được nêu tại hội thảo này và trên cơ sở ý kiến trao đổi của các đại biểu); Tổ chức các tọa đàm, hội thảo, tập huấn cho các thẩm phán và thư ký pháp luật về tín dụng ngân hàng, pháp luật về giao dịch bất động sản, xử lý tài sản là nợ xấu…; Phát triển án lệ; Tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp…. xem xét tăng cường tháo gỡ bất cập; Nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo thời hạn giải quyết vụ án....

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO