(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chia sẻ với báo chí xung quanh đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc giảm cước tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế - cho rằng, giảm giá dịch vụ tin nhắn cho tổ chức tín dụng thời điểm này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, “một mũi tên trúng nhiều đích”.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế |
Phóng viên: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, các công ty viễn thông vẫn “ngó lơ” chưa có động thái giải quyết cụ thể và thiết thực. Có thể nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông? Theo ông, cần làm gì để có thể có được sự hợp tác, cùng chia sẻ giữa hai bên?
TS. Cấn Văn Lực: Việc các tổ chức tín dụng (TCTD) và các công ty viễn thông hợp tác để cung cấp sản phẩm – dịch vụ tài chính cho khách hàng đã được quy định trong hợp đồng giữa các bên. Về phương diện lý thuyết, theo hợp đồng thì các công ty viễn thông không nhất thiết phải giảm phí cho ngân hàng. Ngoài ra, với việc nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong 2 quý đầu năm 2021 thì các công ty viễn thông có lẽ vẫn dựa vào đó để chần chừ việc giảm phí cho ngân hàng.
... để có được sự hợp tác bền chặt giữa hai bên thì cần có thiện chí từ các công ty viễn thông để thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, hành động của các TCTD và cũng để đảm bảo tính công bằng như đối với các khách hàng khác của nhà mạng - TS. Cấn Văn Lực
Tuy nhiên, có ba yếu tố các nhà mạng nên tính đến để giảm phí dịch vụ nhắn tin cho ngân hàng.
Một là, các chỉ tiêu lợi nhuận như vậy chỉ đạt được do NHNN đã ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 và Thông tư 03 ngày 2/4/2021, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí và nhất là giữ nguyên nhóm nợ để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Nếu không có cơ chế này, có thể khẳng định nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên đáng kể, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn và kết quả kinh doanh không thể đạt mức như trong các báo cáo tài chính năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi các thông tư này hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Tôi dự báo nợ xấu của hệ thống các TCTD có thể lên mức 2-2,5% cuối năm 2021 và năm 2022.
Hai là, bản thân ngành ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng, trong đó tính từ đầu dịch năm 2020 đến nay, các TCTD đã hy sinh khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng để miễn, giảm lãi, phí và sẽ tiếp tục hy sinh thêm khoảng 48 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021 để tiếp tục giảm lãi, phí cho khách hàng theo lời kêu gọi giảm lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng và NHNN.
Ba là, hiện nay các ngân hàng cũng đang chịu một mức phí cao hơn thông thường, cụ thể, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng với tin nhắn chăm sóc khách hàng. Mức giá này cao hơn từ 2-3 lần so với mức giá tin nhắn của khách hàng cá nhân. Các nhà mạng khác như Vietnamobile, Beeline cũng có mức giá cao tương tự. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì việc giảm 1 phần mức phí đó sẽ hỗ trợ, tạo thêm động lực và nguồn lực để các TCTD có thể hỗ trợ khách hàng nhiều hơn.
Vì thế, tôi nghĩ rằng, để có được sự hợp tác bền chặt giữa hai bên thì cần có thiện chí từ các công ty viễn thông để thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, hành động của các TCTD và cũng để đảm bảo tính công bằng như đối với các khách hàng khác của nhà mạng.
Phóng viên: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng, chia sẻ khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Mới đây, các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt công bố nhiều chính sách giảm cước cho khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông. Các tổ chức tín dụng (khách hàng của các công ty viễn thông) cũng đang rất “nóng lòng” nhận được tín hiệu hỗ trợ giảm giá dịch vụ từ phía các mong nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các công ty viễn thông. Việc giảm giá dịch vụ tin nhắn cho tổ chức tín dụng thời điểm này theo ông sẽ mang lại những ý nghĩa gì?
Giảm cước phí cho TCTD, cho khách hàng cũng là một động thái hết sức có ý nghĩa nhằm thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trọng tâm thực hiện - TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực: Như tôi đã trao đổi một phần ở trên, việc giảm phí sẽ giúp các TCTD giảm được chi phí hoạt động, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng, vốn dĩ đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19. Tôi được biết mỗi năm Vietinbank chi trả cho các nhà mạng phí SMS khoảng 200 tỷ đồng. Con số này ở BIDV là khoảng 400 tỷ đồng, Vietcombank ước 400 tỷ đồng, còn Agribank trên 300 tỷ đồng. Đây là một khoản phí không nhỏ mà các TCTD có thể chuyển một phần sang cho khách hàng qua các biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngành ngân hàng đã tiên phong trong chuyển đổi số và tiến trình này được đẩy nhanh hơn kể từ khi có dịch. Các giao dịch online tăng mạnh và số lượng tin nhắn gửi tới khách hàng cũng tăng tương ứng, tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải chịu một mức phí chung từ trước đến nay, không được giảm khi lượng tin nhắn tăng lên. Theo đó, giảm cước phí cho TCTD, cho khách hàng cũng là một động thái hết sức có ý nghĩa nhằm thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trọng tâm thực hiện. Các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan cũng làm như vậy.
Phóng viên: Trước đây các doanh nghiệp viễn thông vẫn đưa lý do khách hàng phải trả phí ngân hàng hàng tháng để không giảm giá dịch vụ tin nhắn, nhưng thời gian qua rất nhiều ngân hàng đã giảm hoặc miễn hoàn toàn phí dịch vụ nhắn tin. Vậy nhưng các nhà mạng vẫn chưa giảm phí tin nhắn SMS cho các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng - cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVI-19 – ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Như đã nói ở phần trên, việc các nhà mạng không giảm phí cho ngân hàng là không phù hợp với thị trường khi mà các ngân hàng phải chịu mức phí cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường, trong khi các ngân hàng là khách hàng lớn của nhà mạng và số lượng tin nhắn ngày càng tăng lên. Đặc biệt hơn nữa, khi cả nước đang cùng nhau góp sức chống dịch, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, bản thân các công ty viễn thông cũng giảm phí cho khách hàng khác, song chưa có động thái giảm phí nhắn tin cho ngân hàng là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng chưa công bằng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các nhà mạng hiểu và chia sẻ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nói chung và các TCTD nói riêng. Làm được như vậy là một mũi tên trúng nhiều đích.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!