Gợi ý chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam

H.Y| 03/07/2021 16:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thí điểm phát hành trái phiếu xanh thông qua các loại hình tổ chức phát hành khác nhau (doanh nghiệp, nhà nước, địa phương) là một trong những bước cần thiết để đẩy nhanh sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam. Đây là một trong các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo mới công bố của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI).

Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) mới đây đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Green bonds Make More Cents?” Báo cáo tập trung phân tích xu hướng của thị trường trái phiếu xanh trên toàn cầu và các kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước. Đại diện từ các tổ chức quốc tế hàng đầu về lĩnh vực tài chính xanh cũng tham gia hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của họ về phát triển thị trường trái phiếu xanh. Hơn 70 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham gia sự kiện, cho thấy sự quan tâm lớn đối với chủ đề này.

Báo cáo được hoàn thành trong khuôn khổ hợp tác giữa GGGI với Bộ Tài chính Việt Nam và Chính phủ Luxembourg. Phát biểu khai mạc, TS. André Weidenhaupt (Vụ trưởng, Bộ Môi trường, Khí hậu và Phát triển Bền vững, Chính phủ Luxembourg) và Bà Lê Thị Mỹ Hạnh (Trưởng Đại diện Quốc gia, GGGI Việt Nam) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam. TS.Weidenhaupt hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ giữa Chính phủ Luxembourg và Việt Nam trong các vấn đề về khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Luxembourg, với vai trò của một trung tâm tài chính bền vững quốc tế, có thể chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh lưu ý thêm, trong bối cảnh phục hồi sau COVID, các quốc gia đều đối mặt với nhu cầu cấp bách trong việc 'xây dựng lại tốt hơn' để tạo ra một nền kinh tế bền vững và bao trùm hơn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, trái phiếu xanh sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.

Báo cáo nêu bật các kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Đông Nam Á, Trung Á và châu Âu, đồng thời đề xuất một loạt các khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam từ quan điểm của các thị trường đi đầu. “Báo cáo được công bố rất đúng thời điểm, góp phần đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam”, TS. Weidenhaupt phát biểu.

Một số nhận định nổi bật của báo cáo bao gồm:

 Phát triển thị trường tài chính bền vững là chìa khóa để mở ra tiềm năng đầu tư vào các dự án xanh và ứng phó biến đổi khí hậu xuất phát từ khu vực tư nhân. Trái phiếu xanh là một trong những công cụ nổi bật trong danh mục các tài sản trong lĩnh vực tài chính bền vững.

Hệ sinh thái trái phiếu xanh có sự tham gia của các bên liên quan chính là: Chính phủ, Nhà phát hành, Nhà đầu tư, Các bên hỗ trợ vận hành thị trường, Các đơn vị thiết lập tiêu chuẩn thị trường/cung cấp dịch vụ xác minh thuộc bên thứ ba và các bên có liên quan khác.

Trong bối cảnh hậu COVID-19, một số xu hướng chính trên thị trường trái phiếu xanh toàn cầu tập trung vào các sản phẩm sáng tạo khác nhau nhằm hỗ trợ phục hồi xanh và bền vững sau đại dịch, bao gồm Trái phiếu hỗ trợ phục hồi sau COVID-19, cùng với đó là sự bùng nổ của thị trường trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội, và thị trường trái phiếu liên kết bền vững.

Đối với bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường trái phiếu xanh, tùy thuộc vào tình hình phát triển của thị trường trái phiếu trong nước, các cơ quan quản lý có thể sử dụng các phương thức tiếp cận chính sách khác nhau. Ở các thị trường mới nổi, một số quốc gia tập trung vào việc đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng về "xanh" và chỉ định việc sử dụng tiền thu được từ trái phiếu đáp ứng định nghĩa của trái phiếu xanh (ví dụ: Malaysia, Philippines, Trung Quốc). Những thị trường khác lại ưu tiên cách tiếp cận nâng cao chuẩn báo cáo và công bố thông tin để đảm bảo tính minh bạch của thị trường trái phiếu xanh (ví dụ như Singapore, Ấn Độ). Mặt khác, các thị trường phát triển hơn như Luxembourg lại ưu tiên các công cụ chính sách tiên tiến như thành lập Sàn giao dịch xanh và có chiến lược tài chính bền vững toàn diện.

Báo cáo cũng nhận định, cùng với xu hướng phát triển về tài chính bền vững trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh là cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng để huy động nguồn lực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng toàn cầu vào thị trường trong nước.

Báo cáo khuyến nghị một số nội dung chính sách đối với Việt Nam trong việc phát triển thị trường trái phiếu xanh gồm: Xác định các khoản đầu tư xanh đủ điều kiện và phát triển chuẩn phân loại xanh quốc gia; Giới thiệu khuôn khổ pháp lý cần thiết để thiết lập thị trường trái phiếu xanh; Thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu xanh; Thí điểm phát hành trái phiếu xanh thông qua các loại hình tổ chức phát hành khác nhau; và duy trì sự phát triển lâu dài của thị trường trái phiếu xanh.

Trong phần thảo luận tại hội thảo, ông Mushtaq Kapasi, Giám đốc điều hành – Trưởng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) đã chia sẻ bộ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP) mới được cập nhật gần đây. Ông Muhstaq nhấn mạnh vai trò của GBP 2021 đối với những tổ chức đánh giá độc lập về trái phiếu xanh. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận và đảm bảo về tính xanh của các dự án; qua đó, giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào các sản phẩm trái phiếu xanh. Hiện tại chưa có một đơn vị nào có thể cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.

Nhận định được thách thức này, GGGI hợp tác với Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) tổ chức các buổi đào tạo chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam về nghiệp vụ đánh giá độc lập trái phiếu xanh, từ ngày 22/6 – 1/7, với hơn 30 người tham gia từ 8 công ty trong nước. Đây cũng là một trong những bước đi đóng vai trò nền tảng trong việc đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu xanh cho Việt Nam, một phần của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Về Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI)

GGGI là tổ chức liên chính phủ quốc tế, được thành lập vào năm 2012 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc Rio+20 về Phát triển bền vững. Tầm nhìn của GGGI là kiến tạo “một thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện và bền vững dựa trên mô hình carbon thấp và khả năng phục hồi cao”, và sứ mệnh “hỗ trợ các quốc gia thành viên chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tăng trưởng xanh”. GGGI thực hiện sứ mệnh này thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm: giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu đã đề ra tại Thỏa thuận Paris; thúc đẩy các cơ hội việc làm xanh; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ bền vững (ví dụ như năng lượng sạch với giá cả phải chăng, quản lý chất thải bền vững); cải thiện chất lượng không khí; duy trì các nguồn vốn tự nhiên để đảm bảo nguồn cung cho các dịch vụ hệ sinh thái; và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gợi ý chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO