Với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, dwija phương ngay cửa ngõ phía Nam của Hà Nội đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng…
Với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”, sáng 18/10, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Phát triển du lịch. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2024.
Sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực du lịch, đồng thời mở rộng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu và mở rộng thị trường.
Tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam, nhấn mạnh: "Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững".
Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của Hà Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho biết, phân bố trong một không gian giàu tiềm năng du lịch, cận kề với những điểm du lịch trọng yếu của đồng bằng sông Hồng như Chùa Hương (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Trần (Nam Định), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) và nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo từ cảnh quan núi đá, hang động cho tới cảnh quan sông nước vùng đồng bằng, nông thôn Bắc Bộ và nguồn tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều giá trị khá nổi bật thể hiện qua hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng, các lễ hội dân gian, các làng nghề thủ công truyền thống và nền ẩm thực đặc sắc, phong phú…, Hà Nam có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch thể thao golf, du lịch văn hóa, trong đó, phát triển du lịch văn hóa là thế mạnh nổi trội, đặc biệt tại khu du lịch quốc gia Tam Chúc.
Hiện nay trên Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Melia Vinpearl Phủ Lý) và sắp hoàn thành 1 khách sạn 5 sao nữa của tập đoàn BRG; 1 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là Khu du lịch Tam Chúc và 12 điểm du lịch đã được công nhận.
Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam đã hình thành như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang…; lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương, lễ hội Xuân Tam Chúc…; Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống như: cá kho Đại Hoàng, Trống Đọi Tam, lụa Nha Xá... Bên cạnh đó, việc khai trương và đưa vào hoạt động Không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên, Flamingo Golden Hill, Sun Urban City… đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề.
Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2024 Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.
"Thu hút du lịch giống như tình yêu…"
Tại hội nghị, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch cùng các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã cùng trao đổi các giải pháp nhằm phát triển Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực, cũng như thu hút đầu tư lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng...
Theo đại diện Tập đoàn Sun World, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Hà Nam vẫn chưa khai thác được hết. Theo bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Sun World, bên cạnh thế mạnh, địa phương vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện để đẩy mạnh phát triển du lịch.
“Dù có du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng. Đặc biệt là chưa có quy hoạch du lịch bài bản và sự kết nối giữa các điểm đến để tạo thành hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Bên cạnh đó, giao thông nội tỉnh hiện có bất lợi cho phát triển du lịch, thiếu sự kết nối giữa các điểm du lịch nội tỉnh. Cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch chưa đồng đều, vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là các nhà hàng quy mô lớn để phục vụ các đoàn khách lớn nhỏ, các điểm vui chơi giải trí… Các làng nghề truyền thống mới chỉ tập trung sản xuất phục vụ thương mại chứ chưa quan tâm đầu tư dịch vụ và trải nghiệm cho du khách…”, đại diện Sun World chỉ ra những hạn chế của du lịch Hà Nam.
Từ đó, đại diện Sụn World bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đến phát triển du lịch, nhận định rõ thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương và bắt đầu có những hành động quyết liệt để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện giao thông và đặc biệt là quan tâm thu hút những nhà đầu tư lớn để chung tay thúc đẩy du lịch.
Đồng thời, đẩy mạnh xu hướng du lịch đi gần với thiên nhiên, du lịch văn hóa, tâm linh, phát triển bền vững, du lịch trải nghiệm, phù hợp với thị hiếu du lịch của du khách trong và ngoài nước…
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc, để du lịch Hà Nam cất cánh và phát triển bền vững, tỉnh cần tăng cường quảng bá, đặc biệt chú trọng trên nền tảng số; Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Bên cạnh triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng, Hà Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Song song với đó là phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số…
Chia sẻ việc năm 2013, tỉnh Hà Nam đã thành lập Japan Desk, một văn phòng chuyên tiếp nhận và tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Ishikawa Isamu - Phó Đại sứ kiêm Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, kể từ đó, đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Hà Nam đã gia tăng đáng kể, với khoảng 100 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong môi trường đầu tư thuận lợi…
Ông Ishikawa Isamu nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất trong mọi hoạt động kinh doanh là khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường và khách hàng. Với những kết quả khả quan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ông hy vọng tỉnh Hà Nam sẽ triển khai các chiến dịch quảng bá và tiếp thị hiệu quả để thu hút du lịch.
"Thu hút du lịch cũng giống như tình yêu. Trước tiên, bạn phải cho đối phương biết đến sự tồn tại của mình, mài giũa bản thân để trở nên quyến rũ và truyền tải sức hấp dẫn đó, đồng thời hiểu rõ sở thích của đối phương và tìm hiểu về đối thủ. Tất cả những điều này là rất cần thiết", ông Ishikawa đưa ra lời khuyên.
Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Bình Định, Hà Giang cùng các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và du lịch, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội…
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2024, từ ngày 17 đến 18-10, Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nam tổ chức chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch Hà Nam như: Chùa cây Thị (huyện Thanh Liêm); Vương cung Thánh đường Sở Kiện (huyện Thanh Liêm); sân golf Thiên Đường và Tổ hợp khách sản 5 sao do Tập đoàn BGR đầu tư (huyện Kim Bảng); Thưởng thức “Trà chiều du thuyền” trên lòng hồ Nhục Nhạc; Tham gia trải nghiệm chương trình Thiền Chuông, dâng hương tại điện Tam thế… (Khu Du lịch Tam Chúc).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy: Quyết tâm đưa Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng… Tại Hội nghị, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, địa phương cũng định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nam, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Theo quy hoạch, Hà Nam sẽ có 4 sân golf, hiện nay Stone Valley Golf Resort - sân golf Kim Bảng (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và Khu phức hợp thể thao và du lịch Legend Valley Country Club (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) chính thức hoạt động phục vụ khách đã đưa sản phẩm du lịch thể thao Golf trở thành sản phẩm du lịch mới tại Hà Nam. “Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng…”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh. |