(thitruongtaichinhtiente.vn) - Xét trong bối cảnh hiện nay và yêu cầu về đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ trong trung và dài hạn theo nghị quyết XIII của Đảng, thì việc kết hợp sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành chính sách, trong đó có công cụ hạn mức tín dụng vẫn là điều cần thiết.
Thời gian gần đây, có một số ý kiến trao đổi, phản biện về việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng hạn mức tín dụng với những vấn đề đặt ra có liên quan. Các ý kiến phản biện, trao đổi này ở góc độ nào đó đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành và sử dụng các công cụ chính sách hợp lý và khoa học.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn có một số trao đổi, đưa ra góc nhìn liên quan đến việc sử dụng hạn mức tín dụng.
Xét trong bối cảnh hiện nay và yêu cầu về đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ trong trung và dài hạn theo nghị quyết XIII của Đảng, thì việc kết hợp sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành chính sách, trong đó có công cụ hạn mức tín dụng vẫn là rất cần thiết, xuất phát từ 3 yếu tố chính sau:
Thứ nhất, về mặt chủ trương, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phát triển hài hòa, bền vững hạn chế được những khiếm khuyết, mặt trái của nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng kết hợp các công cụ thị trường với các công cụ quản lý Nhà nước, các công cụ mang tính hành chính phù hợp.
Trong quá trình đó, để thực hiện mục tiêu kép: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, cần thiết phải sử dụng kết hợp các công cụ điều hành vừa mang tính thị trường, vừa mang tính kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức đối với lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay.
Thứ hai, với yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất. Về mặt này, việc sử dụng lãi suất như là công cụ thị trường để điều hành và đạt được mục tiêu về kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ có những hạn chế nhất định. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kép vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp và đạt hiệu quả trong điều hành, việc sử dụng kết hợp công cụ hạn mức tín dụng với lãi suất và các công cụ khác là cần thiết.
Thứ ba, về mặt lý luận, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng ngay cả khi không có hạn mức tín dụng thì cũng có giới hạn, bởi lẽ hoạt động tín dụng, quy mô tín dụng của các tổ chức tín dụng phụ thuộc và chịu điều chỉnh bởi các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hệ số sử dụng vốn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay đối với khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan…. Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu có ý nghĩa tác động trực tiếp bởi đối với các tổ chức tín dụng, việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, luôn gắn liền với yêu cầu phải tăng trưởng vốn tự có (để luôn đảm bảo tỷ lệ theo quy định).
Cho nên, việc sử dụng kết hợp công cụ lãi suất và hạn mức tín dụng sẽ đảm bảo tính hợp lý giữa nguồn vốn và vốn cho vay, đảm bảo lãi suất và tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về thực hiện mục tiêu kép.
Một số phân tích nêu trên cho thấy sự cần thiết sử dụng hạn mức tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.
Tất nhiên, mỗi công cụ điều hành ngoài vai trò tác động tích cực cũng có những tác động ảnh hưởng nhất định, nhất là với các công cụ mang tính kế hoạch, vì vậy việc xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng năm có ý nghĩa quan trọng.
Thực tế, thời gian qua cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang vận dụng, kết hợp hiệu quả các công cụ để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đạt mục tiêu đề ra trong từng năm, từng giai đoạn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.