Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục có nhiều góp ý xác đáng cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Ngô Hải| 26/08/2022 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại buổi khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trưởng Đoàn công tác, đánh giá, khoảng 70% các kiến nghị/đề xuất của Hiệp hội sẽ được Đoàn công tác tiếp thu trong quá trình hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử và đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Luật Giao dịch điện tử 2005 là cơ sở pháp lý cao nhất để các ngành lĩnh vực, trong đó có ngành Ngân hàng phát triển và ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại.

Ngành Ngân hàng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35/2007/NĐ-CP điều chỉnh các vấn đề cơ bản về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng như nguyên tắc thực hiện, điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, yêu cầu về bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử…

Như vậy, về nguyên tắc, TCTD được hoạt động kinh doanh thông qua việc sử dụng các phương tiện điện tử trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư (i) hướng dẫn về hoạt động nghiệp vụ đó; (ii) về quản lý rủi ro; (iii) quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 35, NHNN đã ban hành một số thông tư hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử: mở tài khoản, phát hành thẻ, bao thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, cùng các Thông tư quy định quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng điện tử, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin, quy định về bảo mật an toàn đối với hoạt động ngân hàng trên internet, các quy định về định danh, xác thực khách hàng… và trên cơ sở đó, các TCTD đã cung cấp cho khách hàng rất nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiên tiến trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ như các sản phẩm dịch vụ liên quan thanh toán điện tử.... Đây cũng là tiền đề để hệ thống ngân hàng từng bước chuyển đổi số thành công theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Số liệu của NHNN về tình hình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho thấy, tính đến nay có 95% TCTD đã, đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó: 40% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; trên 50% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 79 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 44 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021; thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ 2021; qua QR code tăng tương ứng 69% và 113,2% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử tăng 45,82% và 105,76% so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp đã cho thấy một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 phát sinh rất nhiều vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn thị trường, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tiên phong, dẫn đầu trong quá trình ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường đã gặp rất nhiều khó khăn, làm hạn chế hiệu quả hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, so với Luật Giao dịch điện tử 2005, dự thảo Luật Giao dịch điện tử Quốc hội đang lấy ý kiến đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung bất cập, chưa được quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển và mở rộng các hoạt động ngân hàng điện tử đa dạng, an toàn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, qua rà soát, Hiệp hội Ngân hàng thấy còn một số nội dung cần xem xét điều chỉnh để dự thảo Luật ban hành mang tính khả thi.

Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ xin trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo góp ý của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được trình bày tại buổi làm việc. Quý độc giả có thể xem toàn văn báo cáo tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục có nhiều góp ý xác đáng cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO