Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

P.V 27/12/2023 - 22:04

Ngày 27/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có buổi tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khảo sát trao đổi tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính năm 2023.

Tham dự buổi làm việc, về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và lãnh đạo một số Ban, đơn vị trong Hiệp hội.

Về phía Đoàn công tác của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) có: Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Quyền Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát; cùng lãnh đạo và cán bộ một số ban, đơn vị trong Ủy ban.

ae9i9854.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Chia sẻ mục đích chuyến làm việc của đoàn tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Quyền Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, UBGSTCQG cho biết, thực hiện công tác tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành chính sách vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, đánh giá tác động qua lại giữa kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, UBGSTCQG tổ chức đoàn công tác nhằm đánh giá tình hình kinh tế - tài chính năm 2023, nhận diện những khó khăn, thách thức đối với kinh tế - tài chính trong thời gian tới.

Để thực hiện báo cáo tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, UBGSTCQG đã triển khai nhiều đoàn công tác đến các cơ quan, đơn vị, Hiệp hội, doanh nghiệp để nắm tình hình. Qua đánh giá, khảo sát hoạt động của doanh nghiệp, UBGSTCQG nhận được kiến nghị từ phía doanh nghiệp về việc vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất cho vay vẫn cao, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của một số ngân hàng cao, hay một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cộng đồng và dự án xanh đề nghị được bổ sung vào đối tượng được hưởng vốn vay ưu đãi…

“Buổi làm việc nhắm lắng nghe những chia sẻ từ phía Hiệp hội Ngân hàng về triển vọng, cũng như những rủi ro thách thức đến hoạt động ngân hàng – tài chính năm 2024. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị từ phía Hiệp hội nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính trong năm tới”, bà Nguyễn Thị Hải Bình bày tỏ.

ae9i9893.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Trước những vấn đề đoàn khảo sát của UBGSTCQG nêu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2023 thực sự là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung hệ thống ngân hàng nói riêng. Cầu thế giới và trong nước suy giảm, đơn hàng sụt giảm, khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, thị trường vốn rơi vào trầm lắng, trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do các vấn đề nội tại, còn chứng khoán thì vẫn chưa phục hồi. Mọi gánh nặng về tài chính của doanh nghiệp dồn hết lên vai ngân hàng.

Do đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị đoàn công tác của UBGSTCQG cần có những đánh giá đúng thực trạng để có những tham mưu, tư vấn đúng và trúng tới Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Đối với các kiến nghị về khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần làm rõ các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn gồm những lĩnh vực nào? Xuất khẩu, nông lâm thủy sản, chuỗi cung ứng, du lịch dịch vụ… lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hay lĩnh vực bất động sản?... cần phải tách bạch để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng; đồng thời để xác định xem ngân hàng nào gây khó khăn với những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng không tiếp cận được tín dụng, thậm chí phát hiện tiêu cực (nếu có) và xử lý thật nghiêm.

Tuy nhiên, phải công nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nguồn lực cạn kiệt, dư nợ ngân hàng đang trong giai đoạn cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN dẫn đến khi có nhu cầu vay vốn chưa đáp ứng đủ điều kiện để ngân hàng cho vay tiếp, rồi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu tài sản bảo đảm, phương án sản xuất kinh doanh không rõ ràng, thiếu khả thi... có cả tâm lý cán bộ tín dụng lo ngại khó thu hồi nợ trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nhiều khách khàng lập nhóm bùng nợ trên nền tảng mạng xã hội… và nhiều lý do khác.

Song tựu trung lại, các doanh nghiệp có uy tín đủ điều kiện vay vốn thì các TCTD cạnh tranh nhau để cho vay?. Do vậy, cần đánh giá tăng trưởng tín dụng thấp là do sức hấp thụ của nền kinh tế ? hay doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được vốn vay?. Từ đó mới có cơ sở để đánh giá

Đối với ý kiến cho rằng, lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng dẫn đến NIM của ngân hàng cao. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng lý giải, các ngân hàng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay, bởi những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các ngân hàng đã huy động vốn với lãi suất cao (trên 10%/năm), các khoản huy động này đáo hạn dần trong năm 2023 nên lãi suất đầu ra chưa thể giảm tương ứng được.

Dự báo cho năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, năm 2023 ngành Ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn thì sang năm 2024 sẽ càng khó khăn hơn. Ngành Ngân hàng tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Nợ xấu gia tăng do Nghị quyết 42 hết hiệu lực và ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thu hồi tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn, tình trạng rủ nhau bùng nợ tràn lan… xử lý tài sản để thu nợ vô cùng khó khăn, khách hàng không hợp tác để trả nợ hoặc bàn giao tài sản thế chấp…

Trong bối cảnh như vậy, để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, chứ không thể một mình ngành Ngân hàng, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư công vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, cũng như nâng cao vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc giúp nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

ae9i9856.jpg
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Quyền Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, UBGSTCQG phát biểu tại buổi làm việc

Đồng tình với các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện đoàn công tác của UBGSTCQG cũng cho rằng, để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế cần các giải pháp từ vĩ mô và tài chính, chứ không thể tăng áp lực lên ngành Ngân hàng – tài chính. Theo đó, các ý kiến của Hiệp hội sẽ được đoàn ghi nhận trong báo cáo chung gửi lên Thủ tướng Chính phủ sau khi kết thúc các đợt khảo sát.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO