Nhìn ra thế giới

IMF: Khu vực dịch vụ của Trung Quốc là động lực tăng trưởng kinh tế chưa được tận dụng đúng mức

V.A 03/08/2024 15:00

Đây là nhận xét mới được nêu ra trong bài viết trên blog IMF của ông Sonali Jain Chandra - Trưởng phái đoàn IMF tại Trung Quốc cùng các nhà kinh tế cấp cao Siddharth Kothari và Natalija Novta tại Vụ châu Á -Thái Bình Dương, IMF.

Theo các nhà kinh tế IMF, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua rất đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng nhanh chóng, dự báo tăng trưởng sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 5% vào năm 2024, bất chấp sự điều chỉnh liên tục trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời, Trung Quốc đã phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư thay vì tiêu dùng. Năng suất giảm và dân số già có nguy cơ hạn chế tăng trưởng, mà theo dự đoán sẽ chậm lại đáng kể trong những năm tới, xuống còn khoảng 3,3% vào năm 2029.

Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi cách tiếp cận chính sách toàn diện và cân bằng.

Trong hoàn cảnh này, khu vực dịch vụ - là động lực tăng trưởng nhưng chưa được khai thác triệt để, điều này cũng đã được ghi nhận tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua. Việc tái phân bổ nguồn lực cho các dịch vụ đã giúp tăng năng suất trong hai thập kỷ qua. Và điều này có thể tiếp tục được phát huy trong những năm tới nếu những cải cách mang tính hỗ trợ được thực hiện.

Mở rộng lĩnh vực dịch vụ cũng có thể giúp tạo thêm việc làm cho nhiều người hơn - đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người được tuyển dụng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ như công nghệ và giáo dục. Hơn nữa, do lượng khí thải trong lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nên việc mở rộng lĩnh vực này sẽ giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu về khí hậu một cách hiệu quả hơn.

Trung Quốc thực sự có tiềm năng đáng kể hơn nữa để mở rộng dịch vụ, như đã được trình bày trong đánh giá thường niên mới nhất của IMF về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ trong nền kinh tế đã tăng lên trong những năm gần đây lên hơn 50% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 75% của các nền kinh tế phát triển.

Mặc dù các công ty trong lĩnh vực dịch vụ đều có tính đổi mới cao ở Trung Quốc, nhưng dữ liệu cấp công ty cho thấy rằng việc phân bổ vốn và lao động giữa các công ty trong lĩnh vực này ngày càng kém hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có năng suất cao nhìn chung lại có quy mô quá nhỏ, gây khó khăn trong việc thu hút vốn và lao động mới, trong khi các doanh nghiệp có năng suất thấp hơn đang chiếm thị phần lớn trên thị trường.

Do đó, Trung Quốc nên ưu tiên cải cách để cải thiện việc phân bổ vốn và lao động trong lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực này vẫn phải tuân theo các quy định khắt khe hơn so với các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm các hạn chế đối với việc gia nhập thị trường của các công ty trong và ngoài nước cũng như các rào cản pháp lý đáng kể. Nới lỏng các yêu cầu pháp lý, giảm hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ địa phương và cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia và cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ - bao gồm giảm bớt các hạn chế thương mại và nhập cảnh từ nước ngoài - có thể thúc đẩy năng suất và hỗ trợ tăng trưởng.

Trung Quốc cũng nên ưu tiên tái cân bằng nền kinh tế để tăng cường nhu cầu dịch vụ. Cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện thuế lũy tiến hơn sẽ làm giảm nhu cầu tiết kiệm cho mục đích phòng ngừa, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời cho phép chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ. Phạm vi bảo hiểm tăng lên, trợ cấp thất nghiệp và y tế tốt hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa. Trong bối cảnh đó, việc tăng trợ cấp tuổi già thêm 19% trong năm nay cho người dân nông thôn và thành thị không có việc làm là một bước đi nhỏ nhưng đáng hoan nghênh.

Nhìn chung, lĩnh vực dịch vụ có thể tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Trung Quốc. Lý tưởng nhất là các chính sách giúp tái cân bằng nhu cầu tiêu dùng sẽ được kết hợp với những cải cách nhằm giảm bớt rào cản gia nhập thị trường và giảm bớt các hạn chế pháp lý khác, vốn đã ngăn cản việc phân bổ vốn và lao động một cách hiệu quả trong quá khứ.

Theo ước tính của IMF, một gói cải cách cơ cấu tổng thể dựa vào thị trường, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và cải cách lương hưu có thể giúp tăng GDP lên gần 20% trong 15 năm tới so với mức cơ sở, hoặc tăng trưởng tiềm năng cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm trong trung hạn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF: Khu vực dịch vụ của Trung Quốc là động lực tăng trưởng kinh tế chưa được tận dụng đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO