Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 182/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch năm 2024 của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu vê dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Theo đó, tổ công tác của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đonạ 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được thành lập theo Quyết định số 170/QĐ-NHNN ngày 18/2/2022 của Thống đốc NHNN (được thay đổi, bổ sung thành viên tại Quyết định số 1412/QĐ-NHNN ngày 28/7/2023) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng hoàn thiện thể chế: Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN; Xây dựng các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt…;
Hai là, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN như: Tích hợp với các dịch vụ công của NHNN; Kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền; Kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ thông tin tín dụng…;
Ba là, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội như: Ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử khi cung cấp dịch vụ ngân hàng; Kết nối, khai thác dữ liệu dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng…;
Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dung tiền mặt để thực hiện chi trả cho đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị 21/CT-TTg; Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (đơn vị chủ trì), Bộ Công an nghiên cứu cấp “tài khoản an sinh xã hội” gắn với số định danh cá nhân, cung cấp trên ứng dụng VNeID;
Năm là, công tác truyền thông: Tiếp tục truyền thông về công tác triển khai và kết quả thực hiện Đề án 06 với các hình thức và kênh truyền thông phù hợp, có tính lan tỏa cao;
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo.