Nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan toả trên khắp các xóm làng, giúp người dân tỉnh Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo bằng nhiều mô hình sản xuất.
Bà Trịnh Bích Tuyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, kết thúc năm 2024, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt trên 5.755,5 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cuối năm 2023. Doanh số cho vay đạt trên 1.772,4 tỷ đồng, với mức cho vay bình quân 39,9 triệu đồng/hộ.
Đáng chú ý, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 44.339 lượt hộ, trong đó đã giúp 463 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp 606 lượt hộ nghèo, 1.908 hộ cận nghèo, 14.417 hộ mới thoát nghèo và 4.440 hộ sản xuất, kinh doanh có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình; xây mới và sửa chữa 26.173 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; tạo việc làm cho hơn 9.418 lao động (trong đó có 97 lượt lao động đi lao động ở nước ngoài); 112 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo…
Những con số này thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và hệ thống NHCSXH của tỉnh trong việc tập trung huy động nguồn lực tài chính nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đây cũng là cơ sở để NHCSXH thực hiện tốt chức năng cung ứng vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao, tạo điều kiện giúp các đối tượng chính sách được vay vốn chính sách xã hội.
Từ thực tiễn triển khai cho thấy, cần tiếp tục xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền tỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng trong từng thời kỳ. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo bà Bích Tuyền, trong kế hoạch đề ra năm 2025, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu 10%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,03%, huy động tiền gửi đạt 100% kế hoạch và đảm bảo 100% tổ tiết kiệm và vay vốn đạt xếp loại tốt, khá.