Nhìn ra thế giới

Kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi

Vũ Xuân Thanh 12/10/2024 08:37

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa qua đã công bố báo cáo giữa kỳ về triển vọng kinh tế toàn cầu với nhận định, thế giới bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn triền miên.

Cụ thể là, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu tỏ ra khá bền vững và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì, với đà tăng trưởng GDP ổn định và lạm phát tại nhiều nước giảm về mục tiêu đề ra vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, một số khó khăn và thách thức vẫn hiện hữu, nhất là trong ngắn hạn, bao gồm bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại kéo dài, cản trở tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính có nguy cơ rối loạn nếu lạm phát không giảm thật sự.

Báo cáo giữa kỳ cho thấy, mặt bằng lãi suất chính sách sẽ tiếp tục giảm, nếu lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, thời điểm và mức cắt giảm lãi suất cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lạm phát ổn định ở mức thấp trong dài hạn. Điều này đòi hỏi phải tăng cường các nỗ lực kiềm chế chi tiêu công, cải thiện nguồn thu và khung khổ ngân sách, đảm bảo bền vững tài khóa; đẩy mạnh cải cách thị trường sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đây là bước đi cần thiết để phục hồi tăng trưởng kinh tế và giảm áp lực tài khóa.

Tình hình kinh tế gần đây

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu tiếp tục bền vững và có thể sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Lạm phát giá tiêu dùng hạ nhiệt đã thúc đẩy các gia đình mở rộng chi tiêu, góp phần giảm nhẹ những tác động tiêu cực bắt nguồn từ khó khăn tài khóa và bất ổn địa chính trị kéo dài tại Ukraine và Trung Đông.

Trong quý II/2024, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng cao, phản ánh phần nào tác động tích cực của xu hướng giảm lạm phát đến thu nhập lương thực tế và chi tiêu dùng của các hộ gia đình. Tương tự, GDP cũng tăng cao tại một số nước phát triển khác (AEs) như Canada, Tây Ban Nha, Anh. Sau khi giảm tốc trong quý trước do rối loạn nguồn cung, kinh tế quý II/2024 tại Nhật Bản đã bật tăng trở lại. Trái lại, một số AEs vẫn chìm trong khó khăn, nhất là Đức, do kinh tế trầm lắng buộc các doanh nghiệp và cá nhân phải tiết kiệm chi tiêu, trong khi hoạt động công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn triền miên do nhu cầu tiêu dùng yếu ớt trên toàn cầu. Tại các nước mới nổi, bức tranh kinh tế cũng phản ánh những khác biệt nhất định. Nhu cầu trong nước cải thiện đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế tại Brazil, Indonesia, Ấn Độ, trong khi kinh tế Mexico tăng chậm do khu vực dịch vụ mất động lực. Tại Trung Quốc, xuất khẩu tăng cao đã thúc đẩy công nghiệp chế tạo, nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu ớt, trong khi lĩnh vực nhà đất vẫn chìm trong khó khăn.

Các chỉ số kinh tế tại hầu hết các nước cho thấy, động lực tăng trưởng vẫn ổn định. Trong đó, các hoạt động dịch vụ tiếp tục sôi động và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp, nguyên nhân là do lượng hàng tồn kho cao hơn doanh thu tại nhiều AEs chủ chốt có thể cản trở tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tại AEs, hoạt động dịch vụ tăng cao trong thời gian qua đã phản ánh phần nào xu hướng cân bằng nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch. Cụ thể là, tốc độ mở rộng dịch vụ đang chậm lại, tỷ trọng mua sắm hàng hóa so với dịch vụ tại nhiều nước đã trở lại xu hướng dài hạn trước đại dịch. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng tại hầu hết AEs vẫn trầm lắng trong dài hạn, mặc dù thu nhập thực tế tiếp tục cải thiện. Thực tế này phản ánh những cảm nhận về xu hướng sụt giảm sức mua, do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao triền miên sau đại dịch đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các hộ gia đình, nhất là các đối tượng thu nhập thấp.

Từ đầu năm đến nay, thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi, cả về trao đổi hàng hóa và dịch vụ, nhất là trong quý II/2024. Yếu tố cơ bản dẫn dắt xu hướng này là nhập khẩu tại Mỹ tăng trở lại đã thúc đẩy xuất khẩu từ các nước mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng chậm trở lại. Nghĩa là, trao đổi thương mại sôi động trong quý II vừa qua là do những đơn đặt hàng trước đó từ AEs nhằm tránh tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra vào cuối năm.

Trên toàn cầu, vận chuyển container dường như đã thích ứng với tình trạng đóng cửa Biển Đỏ và mực nước thấp tại kênh đào Panama. Thời gian vận chuyển và tắc nghẽn tăng cao, kể cả tại một số cảng biển chủ chốt tại châu Á. Chi phí vận chuyển cũng tăng đáng kể và hiện đã tăng 160% so với đầu năm, thậm chí một số tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu còn ghi nhận mức tăng cao hơn. Chi phí vẫn chuyển tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, mặc dù có thể chỉ tăng khiêm tốn, do giá thành sản phẩm giảm dần trên toàn cầu và nhiều nước hạ giá một số mặt hàng xuất khẩu.

Căng thẳng trên thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt, một phần là nhờ nguồn nhân lực tăng cao, tình trạng thất nghiệp đã cải thiện về xu hướng trước đại dịch. Nguyên nhân là do nhu cầu về lao động đang giảm dần tại một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi. Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu là cung ứng lao động tăng cao, nhất là lao động nhập cư, xu hướng này bắt đầu tăng cao từ năm 2023 tại Australia, Canada, Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Tăng trưởng lương danh nghĩa tiếp tục ở mức cao, nhất là tại Mỹ và Anh, mặc dù bắt đầu tăng chậm lại. Về cơ bản, chi phí lao động đang giảm dần theo theo xu hướng tăng trưởng lương, nhưng vẫn tăng cao tại nhiều nước do năng suất lao động tăng chậm, nhất là tại châu Âu. Trái lại, năng suất tăng cao tại Mỹ đã góp phần ổn định chi phí lao động ngoài khu vực nông nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm nay, lạm phát cơ bản tại hầu hết các nước tiếp tục giảm, một phần là do lạm phát giá thực phẩm hạ nhiệt và giá năng lượng ở mức thấp. Mexico và Brazil là trường hợp đi ngược xu hướng, nguyên nhân là do đồng bản tệ mất giá đã phần nào đẩy lạm phát tăng cao. Giá dầu giảm trong thời gian gần đây và giá thực phẩm tiếp tục giảm trên toàn cầu có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Kể từ tháng 7, giá dầu đã giảm khoảng 10%, do khả năng nguồn cung sẽ vượt cầu trong năm tới đây và do những lo ngại trên thị trường về nhu cầu tiêu thụ yếu ớt tại một số nền kinh tế lớn, nhất là Trung Quốc. Nếu dầu ổn định ở mức giá hiện nay, lạm phát cơ bản trên toàn cầu sẽ giảm thêm 0,5% trong năm tới 2025. Tại AEs chủ chốt, các chỉ số về lạm phát kỳ vọng cũng tiếp tục giảm theo xu hướng giảm lạm phát thực tế.

Số quốc gia có lạm phát đang giảm dần về mục tiêu do ngân hàng trung ương (NHTW) đề ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, tại Anh, trên 50% mặt hàng trong giỏ lạm phát vẫn tăng trên 3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tại Mỹ với trên 40% mặt hàng tăng quá ngưỡng 3% này. Lạm phát giá dịch vụ vẫn tăng cao và chỉ giảm rất chậm. Nếu lạm phát lõi vẫn không thay đổi so với mức tăng hiện hành, lạm phát giá dịch vụ tổng thể hằng năm cần được kéo giảm 3% tại Mexico; 2,5% tại Anh; 1,2% tại khu vực đồng Euro; và 0,8% tại Mỹ để kéo giảm lạm phát giá dịch vụ tổng thể về tỷ lệ lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra.

Trên toàn cầu, điều kiện tài chính vẫn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng, và thị trường kỳ vọng tiến trình cắt giảm lãi suất chính sách sẽ nhanh hơn so với kỳ vọng trước đây. Tại Mỹ, khu vực đồng Euro, Anh, Brazil và một số nước mới nổi khác, lãi suất thực kỳ hạn dài vẫn tương đối cao hơn so với thập kỷ trước. Tuy nhiên, lợi suất danh nghĩa đối với trái phiếu kỳ hạn dài đang giảm dần và lượng trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giảm.

Triển vọng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ ổn định với mức tăng 3,2% trong năm 2024-2025 và lạm phát tiếp tục giảm. Tại AEs, tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu giảm, và các động thái nới lỏng tiền tệ tiếp theo sẽ thúc đẩy chi tiêu trong năm 2025 đối với các mặt hàng nhạy cảm với lãi suất. Tại nhiều quốc gia, lạm phát giảm cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng thu nhập thực tế và mở rộng tiêu dùng tư nhân.

Tại Mỹ và Canada, GDP trong những quý tới đây sẽ tăng chậm hơn so với kết quả tăng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, các động thái nới lỏng tiền tệ có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng cao cho đến cuối năm 2025. GDP tại Mỹ sẽ tăng 2,6% trong năm 2024 và tăng 1,6% trong năm 2025; con số này là 1,1% và 1,8% tại Canada. Châu Âu cũng sẽ hưởng lợi từ chu kỳ hạ lãi suất và phục hồi thu nhập thực tế, với GDP tại khu vực đồng Euro sẽ tăng 0,7% trong năm 2024 và 1,3% trong năm 2025; GDP tại Anh sẽ tăng 1,1% trong năm 2024 và 1,2% trong năm 2025; GDP tại Nhật Bản sẽ tăng 0,1% trong năm 2024 và 1,4% trong năm 2025. Tại Hàn Quốc, GDP sẽ ổn định với mức tăng 2,5% trong năm 2024 và 2,2% trong năm 2025, trong đó nhu cầu về chất bán dẫn tăng cao trên toàn cầu sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu. Tại Australia, GDP sẽ tăng tốc từ mức tăng 1,1% trong năm nay lên 1,8% trong năm 2025, chi tiêu dùng sẽ tăng cao nhờ thu nhập khả dụng phục hồi mạnh.

Tại nhóm 20 nền kinh tế mới nổi hàng đầu, tình hình kinh tế về cơ bản vẫn ổn định, mặc dù tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia. Tại Trung Quốc, kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao nhờ các gói cấp phát tiền để thúc đẩy chi tiêu dùng và mở rộng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong thời gian gần đây, nhưng tiêu dùng vẫn yếu ớt do lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế. Vì thế, GDP được kỳ vọng tăng 4,9% trong năm 2024 và tăng 4,5% trong năm 2025. Trong 2 năm tới đây, nhu cầu trong nước sẽ tăng vững tại Ấn Độ và Indonesia. Tại Ấn Độ, GDP được kỳ vọng tăng 6,7% trong năm tài khóa 2024-2025 và tăng 6,8% trong năm tài khóa 2025-2026; trong khi GDP tại Indonesia được dự báo tăng 5,1% trong năm 2024 và tăng 5,2% trong năm 2025. Nhờ mở rộng chi tiêu tài khóa, động lực tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Brazil được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mặc dù tốc độ nới lỏng tiền tệ chậm chạp, GDP được dự báo sẽ tăng 2,9% trong năm 2024 và tăng 2,6% trong năm 2025. GDP tại Mexico được dự báo sẽ giảm tốc xuống mức tăng trưởng 1,4% trong năm 2024 và 1,2% trong năm 2025, do nhu cầu yếu ớt hiện nay sẽ kéo dài đến năm sau.

Tại nhóm quốc gia này, lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm rõ rệt, nhờ giá cả hàng hóa và lạm phát giá dịch vụ giảm thấp đã góp phần giảm chi phí lao động. Lạm phát cơ bản được kỳ vọng sẽ giảm từ tỷ lệ 6,1% trong năm 2023 xuống 5,4% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025. Lạm phát lõi được kỳ vọng sẽ giảm từ tỷ lệ 4,2% trong năm 2023 xuống 2,7% trong năm nay và 2,1% vào năm 2025.

Mặc dù đang giảm dần, nhưng lạm phát tại các nước mới nổi nhìn chung vẫn cao hơn so với tại AEs, với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Lạm phát tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2024-2025, nhưng vẫn ở mức hai con số. Tại Trung Quốc, lạm phát tăng dần nhưng sẽ ở mức rất thấp.

Rủi ro và thách thức

Kinh tế toàn cầu bắt đầu cải thiện, với GDP ổn định hoặc tăng dần và lạm phát tiếp tục giảm. Tuy nhiên, rủi ro tăng trưởng thấp vẫn hiện hữu, phản ánh những bất ổn bắt nguồn từ xung đột vũ trang tại Ukraine và Trung Đông, tốc độ giảm lạm phát và tác động kéo dài của mặt bằng lãi suất cao. Nếu lạm phát giảm chậm hơn so với kỳ vọng, lạm phát kỳ vọng của các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể sẽ tăng trở lại. Một rủi ro đáng lo ngại là, thị trường lao động nguội lạnh có thể sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước giảm sâu hơn kỳ vọng. Các bên sẽ thỏa thuận lại mức lãi suất cho vay, nhiều khoản nợ sắp đáo hạn và được các hộ gia đình thay thế bằng những khoản vay mới. Tại AEs, khoảng 30% nợ doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2026, tỷ lệ này tại các nước mới nổi còn cao hơn nhiều. Tại AEs, số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng và đã vượt xa mức trước đại dịch.

Kinh tế có thể tăng cao hơn dự báo, nếu niềm tin của người tiêu dùng phục hồi bền vững, qua đó sẽ thúc đẩy chi tiêu tư nhân. Liên quan đến vấn đề này, yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý chính là mức độ phục hồi thu nhập thực tế và khả năng cải thiện sức mua của các hộ gia đình. Một yếu tố tích cực khác là giá dầu sẽ hạ nhiệt, nếu các nước không cắt giảm nguồn cung quá mức trong năm tới. Theo đó, lạm phát sẽ giảm rõ rệt tại nhiều nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước nhập khẩu dầu và đẩy nhanh tiến độ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nguồn tham khảo: OECD tháng 9/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO