Nhìn ra thế giới

Kinh tế Trung Quốc đón một số tín hiệu tích cực đầu năm mới

Đăng Tuấn 13/02/2024 15:27

Lần đầu tiên Tết Nguyên đán Trung Quốc không còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chính vì vậy diễn biến liên quan đến người tiêu dùng có thể coi như “hàn thử biểu” quan trọng về tâm lý người tiêu dùng.

Số lượng người đi lại trong dịp đầu năm mới ở Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao nhất trong nhiều năm khi mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc hy vọng mùa lễ hội năm nay sẽ giúp kéo kinh tế Trung Quốc thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Theo số liệu cập nhật gần nhất đến ngày thứ Ba tuần vừa rồi (ngày 6/2), người dân Trung Quốc đã thực hiện hơn 230 triệu chuyến đi trong nước, con số cao nhất trong dịp năm mới trong nhiều năm trở lại đây.

Con số này cao hơn 5,8% so với năm 2023 và 1,1% so với thời điểm năm 2019 trước đại dịch COVID-19.

Dịp đi lại mùa xuân của người Trung Quốc vốn thường kéo dài trong khoảng 40 ngày, tính từ ngày 26/1 đến ngày 5/3 hàng năm. Thông thường, người Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 9 tỷ chuyến đi, 80% trong số đó được thực hiện bằng các phương tiện cá nhân.

“Hoạt động đi lại mùa xuân năm nay chắc chắn sẽ rất sôi động”, Thứ trưởng Giao thông Trung Quốc – ông Li Yang phân tích.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay của Trung Quốc bắt đầu từ ngày thứ Bảy tuần vừa rồi (ngày 10/2/2024), đây sẽ là lần đầu tiên Tết Nguyên đán không còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chính vì vậy diễn biến liên quan đến người tiêu dùng có thể coi như “hàn thử biểu” quan trọng về tâm lý người tiêu dùng.

Trung Quốc đã chật vật trong việc định hướng chính sách hướng đến giúp kinh tế phục hồi, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023.

Cơ quan Thống kê Trung Quốc trong tuần này công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 giảm sâu hơn so với kỳ vọng, đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số CPI đi ngang hoặc giảm, thực tế này khiến nhiều người lo lắng về khả năng chu kỳ giảm phát đang ngày một căng thẳng hơn.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức Natixis, bà Alicia García-Herrero, có cái nhìn thận trọng hơn. Bà cho rằng dù người dân đi lại nhiều nhưng họ sẽ không có xu thế chi tiêu nhiều như những năm trước bởi xét đến bối cảnh kinh tế khó khăn, sự chững lại trong lĩnh vực bất động sản và niềm tin người tiêu dùng thấp.

“Nhu cầu đi lại bị dồn nén từ khoảng thời gian trước, vì vậy hoạt động đi lại có thể sôi động nhưng tôi không tin mức chi tiêu sẽ tốt”, bà García-Herrero nhấn mạnh.

Trong tháng 3/2024, Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp để bàn về mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024. Phần lớn các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng trưởng của năm 2024 sẽ gần tương đương với mức 5% của năm ngoái, thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ngay cả mục tiêu đó cũng khó thành hiện thực trừ khi thị trường bất động sản bình ổn.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế tin rằng tiêu dùng tháng 2/2024 tăng bởi yếu tố Tết Nguyên đán, ngoài ra kết hợp với yếu tố hiệu ứng nền của năm 2023, chỉ số CPI Trung Quốc có thể tăng trưởng trở lại từ tháng này.

Trong báo cáo nghiên cứu gần đây, ngân hàng HSBC khẳng định: “Những số liệu ban đầu về hoạt động kinh tế cho thấy tình hình khá sôi động. Chỉ xét riêng trong mảng nhu cầu đi lại nội địa, nhu cầu đi lại bằng tàu tăng 22%, nhu cầu đi lại đường hàng không tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019”.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, doanh số bán hàng hóa trên một số nền tảng thương mại trực tuyến lớn nhất đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Trung Quốc đón một số tín hiệu tích cực đầu năm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO