Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm

T.H| 26/07/2021 16:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019, tuy nhiên, họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, dù kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm.

Theo chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 26/7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phiên thảo luận ghi nhận 14  ý kiến phát biểu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Qua thảo luận, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, báo cáo quyết toán, kiểm toán của Kiểm toán nhà nước...

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội

Cần nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với hiện hành

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019 dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát quyết định của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, cùng nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho cả năm đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành thu chi ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi, bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép, cơ cấu lại ngân sách có kết quả nhất định.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dù kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như giao dự toán, thu chi không sát, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra; nợ đọng thuế lớn; chi thường xuyên cao hơn mục tiêu phấn đấu; nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức, khả năng trả nợ chưa được cải thiện; quy mô nợ nần vẫn tăng, chuyển nguồn lớn, kết quả thực hiện kết luận kiểm toán chưa cao, thấp hơn so với năm 2018.

Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả cao, như đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại ngân sách nhà nước chưa đảm bảo yêu cầu.

 Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Qua ý kiến phát biểu tại hội trường cho thấy, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với số liệu và hồ sơ quyết toán của Chính phủ đã được Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra, Kiểm toán nhà nước thống nhất hai nội dung về điều chỉnh dự toán và số liệu quyết toán. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành ngân sách, thực thi chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cơ cấu lại ngân sách nợ công theo hướng bền vững, nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Các địa phương thực hiện đúng quy định về kiểm toán ngân sách khi quyết toán. Sớm nghiên cứu và triển khai phân bổ ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cải cách chính sách thu, chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ dự toán đến thực hiện và quyết toán. Quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng, nợ đọng, kết dư ngân sách. Kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép và tính đến cả khả năng vay, khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, làm cơ sở cho việc lập và phân bổ dự toán ngân sách năm sau, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách của nhà nước.

Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ và cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo điều hành công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ chỉ đạo điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên, vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã góp phần huy động thêm nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phục vụ công tác phòng chống dịch COVID -19 đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.

Đối với công tác thu hồi tài sản do tham nhũng thất thoát lãng phí, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hệ thống pháp luật và các định mức tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu chưa phù hợp thực tiễn;  sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nút thắt, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, trong giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Phiên thảo luận cũng ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị quyết liệt đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới; siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Thẳng thắn và trách nhiệm

Giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận nhằm hoàn thiện báo cáo đồng thời bổ sung giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí, Bọ trưởng cho biết, đây là phạm trù rộng lớn bao gồm cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất. Về lãng phí vật chất như: sử dụng lãng phí về ngân sách, quỹ ngoài ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu;… Lãng phí phi vật chất như bỏ lỡ thời cơ hoặc các cam kết quốc tế, không sử dụng nguồn nhân lực, người tài,… Ở trong phạm trù này, Bộ Tài chính mong muốn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi công tác của cơ quan Nhà nước trong quản lý về nhà nước về các vấn đề liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tập trung một số vấn đề chính:

Còn về phạm vi chấp hành kỷ luật kỷ cương, Bộ Tài chính luôn coi đây là vấn đề cốt lõi nếu lãnh đạo không kiểm tra thì xem như không lãnh đạo. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách, quản lý nguồn lực luôn luôn được nâng cao và luôn được quan tâm một cách sát sao. Bộ trưởng dẫn chứng số liệu cụ thể: Năm 2020, thanh tra cả nước đã tiến hành 6.199 cuộc thanh tra hành chính, 181.227 cuộc thanh tra chuyên ngành và đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, đã thu hồi nhiều tỷ đồng; thu hồi đất sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 97 vụ việc sai phạm. Thực hiện nhiều kiến nghị của kiểm toán đã đạt 73,5% và đã đôn đốc thực hiện vấn đề sau thanh tra, trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658.000 cá nhân và chuyển điều tra khởi tố 12 vụ sau thanh tra.

Năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện sửa đổi 15 Luật, 157 Nghi định, 323 Thông tư, 39 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 trong lĩnh vực tài chính ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, 9 đề án và Bộ, các Bộ đã ban hành 50 Thông tư. Kết quả, có nhiều Nghị định có thể nói là đã giải phóng được nguồn lực và bịt các lỗ hổng thất thoát lãng phí.

Về hiệu quả tiết kiệm, đối với bộ máy, chúng ta đã giảm được 6 đơn vị cấp huyện, 546 đơn vị cấp xã và giảm hàng chục ngàn các đơn vị khác. Riêng Bộ Tài chính đã giảm được 2.076 đầu mối; Bộ Nội vụ đã giảm được 18 đơn vị; Cần Thơ giảm 32 phòng; Cao Bằng giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập;… Với kết quả này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, bản thân Bộ cũng như các Bộ, ban ngành và đia phương trong cả nước thời gian qua cũng đã rất nỗ lực, cố gắng trong sắp xếp tổ chức, cắt giảm biên chế.

Kết luận nội dung Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tuy thời gian ngắn nhưng các ý kiến đã tập trung, thẳng thắn và trách nhiệm thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đây là lần đầu tiên Quốc hội bố trí thời gian để nghe trình bày báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ và hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cho thấy tầm quan trọng của công tác này. Đây là vấn đề lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay, không để trở thành vấn đề cản trở sự phát triển, gây bức xúc cho nhân dân, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ  phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. "Sau thảo luận ngày hôm nay, Đoàn chủ tịch đề nghị cho bổ sung những nội dung cơ bản để đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO