Lãi suất cho vay mua nhà, đất tại nhiều ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Theo giới chuyên gia, đây là điều kiện và lợi thế để thị trường bất động sản "ấm dần", từ đó tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng.
Tận dụng thời điểm
Anh Nguyễn Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết vợ chồng anh vừa quyết định vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để mua nhà chung cư. "Tham khảo nhiều bạn bè đang trả góp ngân hàng được biết lãi suất họ đang phải chịu cho các khoản vay cũ lên tới 12 - 14%/năm. Nên mức lãi suất ưu đãi 6%/năm đối với gia đình tôi là khá dễ chịu", anh Đức nói.
Theo tính toán của gia đình anh Đức, cách đây khoảng 2 năm, lãi suất vay mua nhà khoảng 10%/năm, nếu vay 1,2 tỷ đồng thì mỗi tháng phải trả ngân hàng riêng tiền lãi là 10 triệu đồng. Còn với lãi suất ưu đãi 6%/năm, tiền lãi mỗi tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng, áp lực tài chính cũng giảm bớt.
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa... tại các ngân hàng đang khá thấp, mức lãi suất khoảng 5 - 6%/năm xuất hiện tại nhiều ngân hàng.
Đơn cử Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang áp dụng lãi suất ưu đãi từ 5,79%/năm cho khách hàng vay mua nhà, thời hạn vay lên đến 25 năm và có thể vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cũng dành 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng có nhu cầu mua, xây, sửa chữa bất động sản; mua xe.. lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
Hay tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), lãi suất cho vay mua nhà đang triển khai với nhiều lựa chọn linh hoạt từ 4,99%/năm trong 6 tháng vay đầu, 5,99%/năm trong 9 tháng, 6,49%/năm trong 12 tháng, 7,49%/năm trong 18 tháng và 7,9%/năm trong 24 tháng...
Mức lãi suất hấp dẫn cũng xuất hiện tại các ngân hàng lớn. Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng nhà ở với lãi suất từ 5%/năm, thời gian vay tới 30 năm, hạn mức tối đa 100% nhu cầu vốn.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dành 50.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô, vay tiêu dùng… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,9%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay dưới 24 tháng và từ 5%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng...
Còn tại các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, lãi suất cũng rất hấp dẫn. Cụ thể, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đang áp dụng lãi suất cho vay từ 5,2 - 6%/năm cố định trong từ 1 - 3 năm đầu tiên.
Tương tự, Ngân hàng HSBC Việt Nam đang cho vay khách hàng với lãi suất 5,5%/năm trong 25 năm, giá trị cho vay tối đa lên tới 70%.
Lực đẩy tín dụng
Thực tế ghi nhận tại Vietcombank, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết dư nợ tín dụng bán lẻ, trong đó phần lớn là cho vay mua nhà, chiếm gần 20% tổng dư nợ của ngân hàng. Song sự giảm sút của hoạt động cho vay mua nhà những tháng đầu năm đá khiến tín dụng bán lẻ sụt giảm.
Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là do thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn cung hạn chế và thu nhập của người dân giảm sút, dẫn đến tâm lý dè dặt khi quyết định mua nhà vào thời điểm này.
Ngoài ra, một lãnh đạo ngân khác cho biết hạn mức cấp tín dụng cho khách hàng hiện nay cũng chặt chẽ hơn, chỉ cho vay khoảng 50% giá trị tài sản đảm bảo thay vì 70% như trước đây, gây áp lực lớn về vốn tự có cho người mua nhà.
Song nhiều chuyên gia lại tỏ ra khá lạc quan về khả năng tín dụng sẽ bật tăng trong thời gian tới.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, tín dụng bất động sản hiện chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Việc áp dụng sớm các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng… trước 5 tháng so với dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.
"Nhờ đó, tín dụng bất động sản nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp", ông Lực nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, cho rằng bất động sản hiện vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng của các ngân hàng, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhận định phân khúc nhà ở xã hội vẫn đang đối mặt với những rào cản quy định về đối tượng, thủ tục… Do đó, cần thiết kế lại chính sách để đẩy mạnh nhà ở giá rẻ bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm gia tăng nguồn cung phù hợp với tình hình tài chính của người dân.
Mặc dù lãi suất cho vay ở mức thấp đang rất hấp dẫn người có nhu cầu vay vốn mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, khuyến cáo người dân cần cân nhắc kỹ về khả năng tài chính trước khi quyết định vay vốn. Bởi lãi suất thấp thường chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó có thể tăng cao.
"Vì vậy, người vay cần xem kỹ lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính như thế nào và biên độ ra sao. Để không bị áp lực trả nợ ngân hàng đè nặng, nên tính toán sao cho số tiền trả nợ ngân hàng, bao gồm cả gốc lẫn lãi, không quá 50% thu nhập hàng tháng", ông Hiếu tư vấn.
Giới chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất cho vay thấp có thể duy trì đến cuối năm 2024, nhưng sau đó có khả năng tăng nếu kinh tế hồi phục và tín dụng tăng. Các ngân hàng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, kéo theo lãi suất cho vay mua nhà trong năm sau sẽ cao hơn hiện tại.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị khách hàng nên ưu tiên lựa chọn các gói vay với lãi suất cố định trong thời gian dài, nhằm ổn định phương án tài chính và tránh rủi ro từ việc thay đổi của lãi suất thị trường.