Vấn đề - Nhận định

Lãi suất huy động tăng trở lại: Mũi tên trúng nhiều đích

Đoàn Hằng 15/05/2024 11:01

Sau thời gian dài điều chỉnh giảm, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã nhích tăng nhẹ trở lại. Theo giới chuyên môn, lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá.

giao-dich-32-.jpg
Lãi suất huy động tăng trở lại: Mũi tên trúng nhiều đích

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Quan sát diễn biến thị trường cho thấy, sau thời gian dài điều chỉnh giảm, lãi suất huy động đã tăng trở lại kể từ cuối tháng 4/2024. Cụ thể, xu hướng lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước có sự phân hoá. Trong tháng 4 vừa qua, BIDV và VietinBank lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 9 tháng thêm 10-20 điểm cơ bản; thì Vietcombank giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn thêm 10 điểm cơ bản so với cuối quý I/2024, còn lãi suất huy động tại Agribank không đổi.

Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh diễn ra trong tháng 4 vừa qua, lãi suất huy động của nhóm NHTM cổ phần ghi nhận mức tăng mạnh hơn từ 20 - 50 điểm cơ bản. Đặc biệt, mức tăng mạnh nhất ở các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) thuộc về nhóm NHTM cổ phần cấp 1 (MB, Techcombank, VPBank, SHB, ACB, Sacombank), còn các NHTM cổ phần thuộc diện tái cơ cấu có xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn (từ 6 tháng trở lên).

Theo mẫu theo dõi của CTCK Bảo Việt (BVSC), tính trung bình, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của các NHTM đang ở mức 3,83%, tăng 5 điểm cơ bản so với tháng trước. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức 4,69%, tăng 11 điểm cơ bản so với tháng trước.

Bước sang tháng 5, lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ. Tuần trước, Techcombank đã có 2 lần điều chỉnh (ngày 8 - 9/5)tăng trung bình 0,1 điểm % tại tất cả các kỳ hạn so với lần điều chỉnh vào ngày 8/5. Lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại Techcombank hiện là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Cùng thời điểm, TPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống thêm khoảng 0,2%/năm và tăng từ 0,2 - 0,4%/năm với các kỳ hạn 18 – 36 tháng. Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến của TPBank dao động từ 3% - 5,6%/năm cho kỳ hạn từ 1-24 tháng.

Trước đó, trong tuần đầu tháng 5/2024, Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của Sacombank kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm, 24 tháng là 5,0%/năm; 36 tháng là 5,2%/năm…

Hay BVBank cũng điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng. Sau lần điều chỉnh này, biểu lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 18 tháng tại ngân hàng neo ở mức từ 3,1 - 5,35%/năm.

ls-6-thang-5.24.jpg
ls-12-thang-5.24.jpg

Thống kê thị trường cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 5/2024 đã có nhiều NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động, có thể kể đến như: ACB, Techcombank, Sacombank, VIB, TPBank, Bac A Bank, SeABank, PGBank, GPBank, NCB, BVBank, CB… Trước đó trong tháng 4/2024, các ngân hàng như: BIDV, VietinBank, ACB, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank… cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động.

Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn?

Lý giải nguyên nhân lãi suất huy động tăng thời gian gần đây, các chuyên gia đến từ CTCK KB Việt Nam (KBSE) cho rằng, nền lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng với thanh khoản hệ thống bớt dồi dào đã khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại, hầu hết tập trung vào các kỳ hạn ngắn, mức tăng từ 20-30 điểm cơ bản.

Với diễn biến của nền kinh tế, các chuyên VDSC dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng 70-100 điểm cơ bản từ giờ đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục. “Chúng tôi cho rằng, mức tăng này vẫn trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vốn là ưu tiên của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại”, các chuyên gia của VDSC nhấn mạnh.

Còn các chuyên gia phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần nâng lên nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND. Tuy nhiên mức tăng, nếu có, sẽ không quá lớn (khoảng 50-100 điểm cơ bản), khi tín dụng mới chỉ dần được hấp thụ vào nền kinh tế, chưa tạo ra cuộc đua lãi suất giữa các NHTM.

Xu hướng tăng của lãi suất huy động có thể kéo theo áp lực tăng của lãi suất cho vay, tuy nhiên, các chuyên gia VCBS tin rằng, áp lực tăng là không lớn khi nhu cầu vay vốn vẫn ở mức tương đối thấp (tính đến ngày 10/4/2024, tăng trưởng tín dụng đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%). Hơn nữa, biến động của lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia của VCBS dự báo: “xu hướng tăng của lãi suất huy động sẽ tiếp diễn, với mức tăng khoảng 50-100 điểm trong cả năm 2024, phần nào giúp giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực”.

Dù lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh tăng trở lại, tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay vẫn còn khá thấp so với giai đoạn đầu năm. Các số liệu thống kê cho thấy, so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân vẫn thấp hơn khoảng 50-75 điểm cơ bản.

Các chuyên gia đến từ CTCK Bảo Việt (BVSC) tin rằng: “Việc mặt bằng lãi suất ở mức thấp, khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên. Tuy vậy, với tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp, chúng tôi cho rằng đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới”.

Quan sát thêm diễn biến lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá gần đây, các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 50-100 điểm cơ bản từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng.

Các chuyên gia của VDSC cũng dự báo: “Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động tăng trở lại: Mũi tên trúng nhiều đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO