(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đưa ra một số giải pháp khuyến nghị nhằm giúp hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
Tóm tắt: Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là một loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) hợp tác, được chi phối bởi luật các TCTD, cùng với hệ thống các ngân hàng. Với số lượng QTDND gần 1.200 quỹ, rải đều từ Bắc chí Nam, từ thị xã đến các thành phố lớn, QTDND đã có sức ảnh hưởng khá lớn đến thị trường các TCTD Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến sự thất bại của QTDND nhằm đảm bảo an toàn hệ thống QTDND nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung là cần thiết. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích các nhân tố dẫn đến sự thất bại trong hoạt động kinh doanh và các yếu tố tích lũy, là những yếu tố dẫn đến sự thất bại của quỹ. Dựa trên phân tích các yếu tố này, bài viết đưa ra một số giải pháp khuyến nghị nhằm giúp hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
SOME RECOMMENDATIONS FOR PEOPLE'S CREDIT FUNDS TO OPERATE SAFELY AND EFFECTIVELY
Abstract: People's Credit Fund is a type of cooperative credit institution, governed by the Law on Credit Institutions. With nearly 1,200 People's Credit Funds evenly allocated from North to South, from towns to big cities, People's Credit Funds have had a considerable influence on Vietnam credit institutions market. Therefore, it is necessary to study factors affecting the failure of PCFs in order to ensure the safety of the PCF system in particular and credit institutions system in general. The article uses the method of synthesis, statistics and analysis of factors leading to the failure of business activities and the cumulative factors leading to the fund’s failure. Based on the analysis of these factors, the article offers some recommendations to help the PCF system develop safely, effectively and sustainably.
1. GIỚI THIỆU
QTDND là loại hình TCTD hợp tác, được tổ chức theo các nguyên tắc hợp tác xã, tuân thủ theo các quy định của Luật Hợp tác xã và Luật các TCTD, được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính (một xã, phường, thị trấn hoặc liên xã, phường, thị trấn...), được hạch toán độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống. Mục tiêu hoạt động của QTDND là cung cấp dịch vụ tài chính ổn định, thường xuyên và lâu dài; tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi trên địa bàn hoạt động và thu được lợi nhuận cao nhất từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với việc cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất đến đối tượng của dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo khả năng về tài chính để phục vụ hoạt động giáo dục cho các thành viên của Quỹ. Tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
Sau gần 30 năm thành lập, QTDND Việt Nam đã có gần 1.200 quỹ, trải rộng từ Bắc đến Nam, đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, thông qua việc cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn đến các thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một bộ phận QTDND hoạt động yếu kém, vi phạm các quy định dẫn đến thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho hệ thống. Theo thống kê, có khoảng hơn 2,5% QTDND đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Con số này cho thấy cần thiết có những đánh giá về yếu tố gây nên sự thất bại của các QTDND nhằm đưa ra những giải pháp thích hợp, kịp thời giúp phát triển hệ thống QTDND an toàn và hiệu quả.
2. KHÁI NIỆM QTDND
Theo Tổ chức Hiệp hội các Liên hiệp tín dụng thế giới (WOCCU), “Quỹ tín dụng - được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau tại các nước trên thế giới - là các hợp tác xã tài chính được sở hữu bởi chính khách hàng của mình, nhằm cung cấp các dịch vụ tiết kiệm, tín dụng và các dịch vụ tài chính khác cho thành viên. Thành viên của các quỹ tín dụng có mối liên kết chung với nhau, dựa trên các mối quan hệ chung về cộng đồng, nghề nghiệp, tổ chức hoặc tín ngưỡng”.
Theo Khoản 6 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: “Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống”.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012 thì: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.
Như vậy, QTDND do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
3. VAI TRÒ CỦA QTDND
Một số vai trò quan trọng của QTDND như sau:
- Đóng góp tăng trưởng kinh tế đất nước: Các QTDND đóng góp vào sự phát triển kinh tế thông qua việc huy động được khối lượng tiết kiệm đáng kể, bởi số lượng thành viên của Quỹ khá lớn và độ phủ rộng trên khắp đất nước. Các QTDND, do nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Quỹ, có thể kết nối với các tổ chức khác nhằm giải quyết nhu cầu của các thành viên và cộng đồng và làm việc để đạt được các mục tiêu hướng tới cộng đồng. Sự kiểm soát và lãnh đạo dân chủ của các QTDND có tác động lan tỏa đến các địa phương và khu vực, kể cả khu vực nông thôn. Các hoạt động phát triển cộng đồng của các QTDND với vai trò như là các tổ chức tài chính, nhận tiền gửi, cho vay và đầu tư đã khiến các QTDND có ảnh hưởng lớn đến cá nhân và doanh nghiệp. Các QTDND tạo ra nguồn chảy vốn trong khu vực khó tiếp cận vốn, tạo công ăn việc làm. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở nhỏ tạo ra việc làm mới tại địa phương mà còn tạo ra của cải mới và tăng trưởng mới.
- Cải thiện cuộc sống thành viên: Các QTDND đã làm thay đổi địa vị xã hội và kinh tế của một số thành viên, bởi Quỹ đã tạo điều kiện để thành viên của Quỹ được tiếp cận các khoản vay, phục vụ sản xuất, kinh doanh, với lãi suất tốt hơn vay trên thị trường vốn. Từ đó, cải thiện và làm thay đổi cuộc sống của các thành viên.
- Kênh tài chính tốt cho các hoạt động kinh doanh nhỏ: Các QTDND đóng vai trò quan trọng trong hoạt động mua bán nhỏ, thông qua việc cho vay hỗ trợ vốn cho các hoạt động mua bán nhỏ trong nền kinh tế. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ này không đủ các điều kiện vay vốn từ các NHTM, thì QTDND là một giải pháp cực kỳ hữu ích, giúp giảm hoạt động cho vay nặng lãi.
- Tạo ra sức sống cho cộng đồng địa phương: Nhiều nghiên cứu cho thấy, các QTDND tồn tại đã tạo ra sức sống tích cực cho cộng đồng địa phương, bởi các dịch vụ mà QTDND cung cấp. Sức sống tích cực của cộng đồng địa phương được nhìn thấy qua thu nhập của người dân, việc làm và sự lưu giữ lao động của địa phương.
4. NHỮNG YẾU TỐ DẪN ĐẾN SỰ THẤT BẠI CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
Theo nghiên cứu của chương trình ổn định Liên hiệp tín dụng ở Anh, Liên hiệp tín dụng (Credit union)1 thất bại là khi các Liên hiệp tín dụng mất khả năng thanh toán vì có nhiều khoản nợ phải trả hơn tổng tài sản của họ, hay nói cách khác giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ. Nhận định về sự thất bại của các QTDND Việt Nam cũng được hiểu theo cách này. Trong các nghiên cứu về thực trạng hoạt động của QTDND Việt Nam, sự thất bại của QTDND có thể đến từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể phân thành hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố tài chính và nhóm yếu tố đóng góp. Nhóm yếu tố về tài chính là nguyên nhân khiến sự sụp đổ của QTDND trở nên nhanh chóng, còn nhóm yếu tố đóng góp là những yếu tố được tích lũy qua nhiều năm trước, đó là những yếu tố từ nội bộ QTDND và cả từ môi trường, điều kiện kinh tế bên ngoài.
4.1. Nhóm các yếu tố tài chính
Tình trạng hoạt động kinh doanh thua lỗ nhiều năm sẽ là khiến QTDND lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, nguy cơ thất bại rất lớn. Kinh doanh thua lỗ có thể có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này đó là nợ quá hạn, nợ xấu và thu nhập không đủ bù đắp chi phí.
- Nợ quá hạn và nợ xấu: Nợ xấu và nợ quá hạn quá lớn luôn là yếu tố chính đứng sau sự thất bại của các QTDND. Điều này thể hiện trong các đề án tái cơ cấu QTDND, nợ quá hạn và nợ xấu được tập trung đưa ra các giải pháp xử lý.
- Thu nhập nhỏ, chi phí lớn: Khi QTDND có thu nhập nhỏ không đủ phù đắp chi phí, thì hoạt động trở nên khó khăn. QTDND là một tổ chức tín dụng nên thu nhập chính của QTDND là từ thu nhập lãi cho vay. Khi danh mục cho vay của QTDND có nợ quá hạn và nợ xấu nhiều, thu nhập từ lãi không đủ để trang trải lãi tiền gửi cho khách hàng và chi phí hoạt động, QTDND dễ rơi vào tình trạng khó khăn chi trả, khó khăn thanh khoản và dẫn đến nguy cơ thất bại cao.
4.2. Nhóm các yếu tố tích lũy
Những khoản mất mát về tài chính như nợ quá hạn, nợ xấu, thu nhập kém có ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng đến sự thất bại của QTDND. Ngoài ra, một số yếu tố khác bên trong QTDND và yếu tố thị trường địa phương, môi trường kinh tế bên ngoài, có tính chất là những nhân tố tích lũy, gây nên sự thất bại của QTDND.
4.2.1. Các yếu tố bên trong QTDND
- Quản lý tài chính: Các yếu tố như kiểm soát tài chính, phân tích tài chính, kế hoạch tài chính, thông tin tài chính… không được thực hiện tốt sẽ khiến Hội đồng quản trị QTDND không phát hiện ra các vấn đề tài chính sớm, kịp thời đưa ra các giải pháp, theo thời gian sẽ khiến QTDND đối mặt với một tình trạng tài chính tệ hại và khó vượt qua.
- Quản trị danh mục cho vay và công tác thu hồi nợ không hiệu quả: Quyết định cho vay không thận trọng, có nhiều khoản vay lớn cho một đối tượng, công tác theo dõi khoản vay, thu hồi nợ kém hoặc không có chính sách rõ ràng, cụ thể… là những nguyên nhân tiềm ẩn rủi ro, khiến QTDND có nợ quá hạn và nợ xấu lớn.
- Chiến lược kinh doanh không phù hợp với mục tiêu, tôn chỉ hoạt động: QTDND là loại hình TCTD hợp tác, được tổ chức theo các nguyên tắc hợp tác xã, tuân thủ theo các quy định của Luật Hợp tác xã và Luật các TCTD, được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính (một xã, phường, thị trấn hoặc liên xã, phường, thị trấn...) nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, hỗ trợ thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hiệu quả, từ đó cải thiện đời sống các thành viên. Tuy nhiên, khi QTDND xa rời mục tiêu hoạt động và các nguyên tắc cơ bản này, có xu hướng thương mại hóa, xa rời mục tiêu liên kết cộng đồng, tương trợ, hỗ trợ thành viên nên đã mở rộng hoạt động ngoài địa bàn. Chiến lược kinh doanh này vừa không phù hợp với mục tiêu và tôn chỉ của QTDND mà còn tạo ra nguy cơ cao về nợ xấu, tổn thất tài chính của QTDND.
- Cơ cấu tổ chức kém hiệu quả: Những QTDND thất bại cho thấy cơ cấu tổ chức của Quỹ rất kém, đặc biệt là sự yếu kém trong Hội đồng quản trị. Hậu quả là các quyết định cho vay thiếu chính xác, nợ xấu gia tăng, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài ra, một cơ cấu tổ chức kém sẽ tạo điều kiện và lỗ hổng kích thích rủi ro đạo đức xuất hiện. Vài năm trước, một loạt các QTDND rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt có liên quan đến sai phạm của một số lãnh đạo và cán bộ của QTDND làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
- Kiểm soát nội bộ không được đề cao: Các QTDND không coi trọng hoạt động của Ban kiểm soát thường dễ thất bại. Bởi bộ phận kiểm tra, giám sát, cảnh báo rủi ro không được thể hiện vai trò của mình, do đó các tín hiệu xấu không được trình báo kịp thời và có hành động khắc phục sớm từ lãnh đạo Quỹ. Chẳng hạn, vào năm 2015 tại tỉnh Hưng Yên, thông qua kết quả thanh tra, giám sát của NHNN chi nhánh Hưng Yên, QTDND xã Bình Kiều, QTDND xã Bình Minh có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn con số báo cáo cho NHNN chi nhánh rất nhiều. Cụ thể, QTDND xã Bình Kiều có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng thực tế là 14% trong khi số báo cáo là chỉ hơn 1%; QTDND xã Bình Minh tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ là 35,82% trong khi báo cáo là dưới 5%. Qua thực tế này cho thấy các QTDND này đã không thấy được hoạt động yếu kém của họ trong hoạt động cho vay, để có những giải pháp sớm, hạn chế hậu quả thua lỗ.
4.2.2. Các yếu tố thị trường địa phương và môi trường kinh tế, pháp lý bên ngoài
- Biến động tiêu cực của thị trường địa phương: Yếu tố thị trường địa phương biến động tiêu cực có gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận và sự an toàn của QTDND. Chẳng hạn, khi thị trường kinh doanh của người đi vay bị mất đi hoặc bị thu hẹp, sẽ khiến khoản nợ của khách hàng này tại QTDND gặp rủi ro. Và nếu QTDND có nhiều khách hàng chịu tác động xấu bởi sự biến động của thị trường này, thì sẽ là nguy hại lớn và có khả năng dẫn đến sự thất bại của QTDND.
- Thay đổi của môi trường kinh tế: Khi nền kinh tế tăng trưởng kém là một thách thức lớn cho QTDND. Bởi vì các khoản tín dụng mới thì không được cung cấp, bởi người đi vay không dám vay vì lo sợ không có thu nhập để trả lãi; Đồng thời, các khoản vay cũ thì gia tăng khả năng trở thành nợ quá hạn, cũng như nợ xấu. Trong khi đó, tiền gửi không thể dễ dàng chuyển đổi thành các khoản cho vay để tạo thu nhập, càng gia tăng khó khăn cho QTDND. Một minh chứng rõ ràng nhất là sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 lan mạnh ở một số tỉnh, thành phố đã khiến nhiều QTDND tại các địa phương này rơi vào tình trạng tiền gửi của khách hàng đang có số dư khá lớn, nhưng người đi vay thì không có. Tiền gửi thì bắt buộc phải trả lãi nhưng thu từ lãi vay giảm đáng kể, thực trạng này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận năm 2021 của các QTDND. Rõ ràng, nếu tình hình kinh tế đất nước không được phục hồi nhanh chóng, sức chịu đựng của một số QTDND bị quá tải, và do đó thất bại là khó tránh khỏi.
- Hệ thống pháp luật: Thực tế hệ thống QTDND Việt Nam có quy mô tổng tài sản nhỏ (tổng tài sản trung bình của một QTDND khoảng 122 tỷ đồng, QTDND có tổng tài sản nhỏ nhất là 3,5 tỷ đồng, QTDND có tổng tài sản lớn nhất là 1.348 tỷ đồng2) nhưng lại có số lượng lớn (khoảng 1.183 QTDND) và rải đều từ Nam chí Bắc, từ thị xã đến các thành phố lớn. Rõ ràng là quy mô QTDND khá nhỏ so với các NHTM nhưng số lượng của QTDND lớn hơn rất nhiều lần số lượng các NHTM và độ bao phủ của NHTM cũng không rộng như QTDND. Với đặc điểm khác biệt chính yếu này của hai hệ thống, nhưng cả hai được điều chỉnh bởi luật các TCTD, điều này khiến các quy định pháp luật khó đạt được tính hiệu quả tốt nhất cho cả hai hệ thống. Với một hệ thống pháp luật chung cho cả QTDND và các NHTM dễ tạo nên rủi ro pháp lý cho các QTDND, hoạt động của QTDND khó đạt hiệu quả tốt.
5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN AN TOÀN, HIỆU QUẢ HỆ THỐNG QTDND
Phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống QTDND là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước, thể hiện trong “Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo định hướng của đề án và dựa theo những thực trạng phân tích ở trên, để hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững, một số khuyến nghị sau được đưa ra để xem xét:
- Từng bước nâng cao trình độ quản lý ở các QTDND
Năng lực và trình độ quản lý của HĐQT, ban giám đốc QTDND là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của tổ chức. Với thực tế trình độ quản lý ở các QTDND chưa cao, còn thiếu tính chuyên nghiệp, do đó trong Đề án đã ghi rõ “cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc QTDND phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của QTDND.” Nếu nội dung này được thực hiện tốt, sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc phát triển hiệu quả hệ thống QTDND.
- Kiểm soát nợ xấu và hoạt động tín dụng của Quỹ
Nợ xấu cao là yếu tố đẩy các QTDND nhanh chóng đi đến sự sụp đổ. Do đó, kiểm soát nợ xấu cũng đã được nêu ra trong Đề án phát triển QTDND, yêu cầu các QTDND cần “tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay, đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích; Tăng cường thiết chế kiểm soát hoạt động tín dụng theo nguyên tắc phân định và bảo đảm tính độc lập giữa bộ phận thẩm định và bộ phận xét duyệt cho vay; Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro.”
- Tăng cường giám sát hoạt động của QTDND
Cơ quan thanh tra giám sát các TCTD của Nhà nước cần tập trung hơn nữa trong việc thanh tra, giám sát phân tích và đánh giá chất lượng tài sản của các QTDND, các yếu tố liên quan đến tính thanh khoản, khả năng thanh toán, các khoản dự trữ... Các chỉ số này có thể đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng khó khăn của QTDND. Từ đó, Ban quản lý Quỹ bảo toàn sẽ phối hợp với QTDND đưa ra các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, trước khi QTDND thật sự rơi vào tình trạng khó khăn thanh khoản. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy nếu quốc gia xây dựng đầy đủ các hệ thống cảnh báo sớm để xác định các vấn đề tiêu cực sẽ phát sinh và các hệ thống can thiệp sớm để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và linh hoạt, thì hệ thống QTDND sẽ hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả.
- Cần tách riêng một hệ thống pháp luật cho QTDND
Kinh nghiệm các nước có tồn tại hệ thống QTDND (Hệ thống Liên hiệp tín dụng – Credit Unions) cho thấy, họ đều ban hành một hệ thống luật riêng biệt cho hệ thống này, đó là luật các Liên hiệp tín dụng (Credit Union Law). Với quy mô tổng tài sản, quy mô số lượng và các đặc thù riêng của QTDND Việt Nam, việc tách riêng một hệ thống luật cho hệ thống QTDND là hoàn toàn cần thiết. Điều này sẽ thuận lợi trong việc điều hành, giám sát hoạt động hệ thống QTDND theo định hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
Chú thích:
1 Tổ chức có tính chất tương tự QTDND Việt Nam
2 Theo số liệu từ NHNN thời điểm 31/12/2020
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2010), Luật các tổ chức tín dụng 2010.
2. Chính phủ (2012), Luật Ngân hàng Hợp tác xã 2021.
3. Báo cáo Ngân hàng Hợp tác xã về tình hình hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân.
4. Đề án ủng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
5. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân.
6. Jones, P. A (2010). Stabilising British Credit Unions. Research Unit for Financial Inclusion, Liverpool John Moores University.
7. World Council of Credit Unions,. Inc (2005), The Guide to International Credit Union Legislation, 4th edition.
Các website:
https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/canh-bao-chat-luong-cho-vay-tai-cac-quy-tin-dung-nhan-dan-o-hung-yen-243321/ truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
https://thanhnien.vn/chu-tich-quy-tin-dung-nhan-dan-chiem-doat-hon-1-100-ti-dong-lanh-an-tu-post902594.html truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
https://cand.com.vn/Ban-tin-113/Bat-tam-giam-nguyen-giam-doc-Quy-Tin-dung-thi-tran-Yen-Thanh-i538533/ truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
https://nld.com.vn/phap-luat/lap-khong-ho-so-rut-22-ti-dong-2-anh-em-ruot-la-lanh-dao-quy-tin-dung-o-thanh-hoa-bi-khoi-to-20200522165122186.htm truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7 năm 2022