Năm 2022, M&A bất động sản sẽ sôi động hơn 

Minh Hoàng| 11/01/2022 14:06
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Colliers Việt Nam nhận định trong năm 2022, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ M&A

Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch, bất động sản vẫn là một trong các lĩnh vực có tổng giá trị giao dịch M&A cao nhất (cùng với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính). Thêm vào đó, các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD ngày càng nhiều hơn và doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò chủ đạo. Trong năm 2022, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ M&A.

Theo ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, lý do quan trọng là các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn. 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận và xử lý khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2021. Ảnh minh họa

Hiện có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất “khát” đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành các dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành. Đội ngũ hoạch định chiến lược, kỹ sư, tiếp thị, bán hàng…hùng hậu và “thiện chiến” của họ sẽ là sự bổ sung cần thiết cho những dự án mà các chủ đầu tư ban đầu không thể “kham” nổi.

Colliers Việt Nam cho rằng, M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng lên. 

Việc các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A trong năm vừa qua cũng khá dễ hiểu. Sự am hiểu thị trường nội địa là ưu thế lớn, đặc biệt là thị trường vùng ven hay các tỉnh thành “mới nổi” về phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp ngoại cũng rất hiểu điều này và đặc biệt tôn trọng sự thấu hiểu thị trường địa phương của doanh nghiệp Việt Nam cũng như rất muốn có được sự hợp tác, cộng hưởng. 

Trái ngược với các lo ngại về tình hình M&A ảm đạm trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, thị trường mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2021 vẫn sôi nổi với loạt thương vụ lớn khi các doanh nghiệp địa ốc liên tục mở rộng quỹ đất và thực hiện chuyển nhượng dự án. Năm 2021 cũng là năm mà các doanh nghiệp địa ốc có kết quả kinh doanh rất khả quan.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản (gồm bất động sản để ở và không để ở) của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Vinhomes, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần BCI (lĩnh vực bất động sản công nghiệp) … trong năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất năm vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, M&A bất động sản sẽ sôi động hơn 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO