Viện Kinh tế Mastercard (MEI) dự báo, năm 2024, người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi tiêu cho hàng hóa nhiều hơn so với năm 2023, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng hóa trở lại về mức trước đại dịch.
Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo “Triển vọng Kinh tế: Cân bằng giá cả và các ưu tiên”, dự báo kinh tế thường niên cho năm 2024 vừa công bố của MEI.
Theo báo cáo, mặc dù không có một đánh giá chung để khái quát tất cả các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song bức tranh vĩ mô được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn, phần lớn tương đương với các chỉ số của năm 2023. Đây sẽ là khoảng thời gian các nền kinh tế tiếp tục ổn định và các động lực tăng trưởng chính, như xuất khẩu và du lịch, sẽ tiệm cận với những chỉ số trước đại dịch.
Trong năm tới, các nền kinh tế của khu vực được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng khác nhau. Các nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc có khả năng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng, trong khi suy thoái được dự đoán sẽ diễn ra tại Úc, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản và New Zealand. Ấn Độ và Indonesia là hai nền kinh tế dự kiến sẽ giữ được mức ổn định như trong năm 2023.
Khi những tác động của đại dịch lên các lĩnh vực kinh tế giảm bớt vào năm 2024, người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ phân bổ cho những khoản chi tiêu không thiết yếu nhiều hơn, ví dụ như du lịch và giải trí. Điều này khác hẳn so với giai đoạn 2022 – 2023. Đây là những năm chứng kiến mức lạm phát cao khiến nhu yếu phẩm thiết yếu như các mặt hàng tạp hóa và nhiên liệu chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách chi tiêu của mỗi hộ gia đình, trong khi các khoản chi tiêu cho những mặt hàng "mong muốn" và các khoản mua sắm thêm khác bị cắt giảm.
Ông David Mann, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard cho biết: “Năm 2024 được coi là một năm để người tiêu dùng có thể cân bằng lại chi tiêu của mình. Dữ liệu cho thấy mọi người vẫn háo hức đi du lịch và ăn tối ở ngoài, dù ở mức độ khác nhau trên từng thị trường. Trong bối cảnh việc mất phương hướng đang diễn ra trên toàn cầu như hiện nay, Viện Kinh tế Mastercard sẽ giúp khách hàng chuyển tải các nguồn lực kinh tế vĩ mô xuống cấp quốc gia, cấp danh mục và thậm chí cả cấp công ty, đồng thời tư vấn về các tình huống có thể xảy ra và tác động của chúng theo yêu cầu.”
Một dự báo khác về mức độ thay đổi về nhu cầu, vào năm 2024, người tiêu dùng trên khắp châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ chi tiêu cho hàng hóa nhiều hơn so với năm 2023. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng hóa trở lại về mức trước đại dịch và đảo ngược xu hướng so với giai đoạn 2022-2023. Đây là thời điểm mà người tiêu dùng ưu tiên các dịch vụ bên ngoài nhiều hơn như ăn uống và du lịch, bù lại quãng thời gian bị hạn chế di chuyển trong đại dịch.
Vào năm 2024, nhu cầu ngày càng tăng của các loại hàng hóa như đồ gia dụng và quần áo cũng được dự báo sẽ vực dậy lĩnh vực sản xuất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương - khu vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Thay đổi này sẽ thúc đẩy sự hội tụ về hiệu suất giữa các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong khu vực – hai lĩnh vực từng có xu hướng trái ngược nhau trong thời điểm năm 2023, khi ngành sản xuất bị tụt lại còn ngành dịch vụ thì bùng nổ.
Báo cáo cũng đưa ra những dự báo với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo đó, năm 2024, ngành du lịch Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi với sự tăng trưởng của khách quốc tế nhờ chính sách cho du lịch theo nhóm, giảm bớt những hạn chế về thị thực hơn so với du lịch cá nhân.
Ông David Mann cho biết thêm: “Sự phục hồi trong chi tiêu du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Trước đại dịch, khách du lịch từ Trung Quốc đại lục tập trung nhiều vào việc mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng xa xỉ khi đi du lịch quốc tế. Sau đại dịch, việc chi tiêu cho những hoạt động như giải trí và ăn uống đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở những du khách đầu tiên rời khỏi Trung Quốc đại lục. Sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu du lịch này cho thấy các cơ quan quản lý du lịch và nhà bán lẻ toàn cầu có thể phải điều chỉnh chiến lược của mình nhằm duy trì sức hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc.”
Báo cáo “Triển vọng Kinh tế: Cân bằng giá cả và các ưu tiên” đã đánh giá 13 thị trường trên khắp khu vực châu Á và châu Đại Dương , dựa trên nhiều bộ dữ liệu công khai và độc quyền, bao gồm hoạt động bán hàng Mastercard tổng hợp và ẩn danh, cũng như các mô hình nhằm đánh giá hoạt động kinh tế.