(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ hay tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND), tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt (KSĐB)… là một số nhiệm vụ mới đáng chú ý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017.
|
Khoản 13 Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG: “Tham gia vào quá trình KSĐB đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ”.
Đây chính là cơ sở pháp lý để BHTGVN chính thức được tham gia vào quá trình KSĐB các tổ chức tham gia BHTG trong bối cảnh hiện nay.
Triển khai công tác tham gia KSĐB theo Luật BHTG và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, BHTGVN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành về KSĐB để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017.
Cụ thể, BHTGVN ban hành Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB kèm theo Quyết định số 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018; hướng dẫn thực hiện quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019; hướng dẫn tạm thời về việc BHTGVN tham gia vào quá trình KSĐB đối với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); quy định tạm thời về Tổ xử lý đột biến đối với QTDND có vấn đề; ban hành Hướng dẫn tạm thời đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND và tổ chức tài chính vi mô được KSĐB...
Đội ngũ cán bộ BHTGVN tham gia Ban KSĐB đã phối hợp với các thành viên Ban KSĐB thực hiện giám sát tình hình hoạt động và thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND, đặc biệt là giám sát số liệu chi tiết, biến động tài sản của QTDND, số dư tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm, tình hình phân loại nợ, khả năng thu hồi nợ của QTDND để đánh giá khả năng chi trả tiền gửi đến hạn thanh toán.
Trong quá trình tham gia KSĐB, BHTGVN chủ động, tích cực phối hợp với Ban KSĐB, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để xử lý các tình huống phát sinh, tham gia ý kiến đối với phương án xử lý QTDND được KSĐB như các QTDND yếu kém.
Đối với các QTDND được KSĐB thuộc diện ngân hàng thương mại tham gia xử lý, thực hiện đối chiếu, xác minh, lập danh sách người gửi tiền, tham gia tuyên truyền, hỗ trợ đối với các QTDND thực hiện theo phương án ngân hàng thương mại tham gia xử lý.
Hằng năm, BHTGVN xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để chủ động nguồn lực tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB đủ điều kiện vay vốn.
BHTGVN đã chủ động, tích cực phối hợp với ban KSĐB, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi được yêu cầu, đề xuất Chi nhánh NHNN tỉnh lựa chọn phương án xử lý phù hợp với quy định của Luật TCTD 2017.
Cùng với đó, các khóa đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ tham gia quá trình KSĐB có trình độ phù hợp với điều kiện phát triển của BHTGVN thường xuyên được tổ chức để đáp ứng yêu cầu của NHNN là tham gia có hiệu quả vào quá trình KSĐB.
Có thể nói, hoạt động tham gia vào quá trình KSĐB đối với QTDND đã góp phần giúp các QTDND trở lại hoạt động bình thường hoặc đề xuất phương án xử lý phù hợp, qua đó đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Để ngày càng nâng cao vị thế của tổ chức BHTG trong tham gia xử lý các QTDND yếu kém theo quy định tại Luật mới, lãnh đạo BHTGVN cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất NHNN có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ BHTG khi tham gia Ban KSĐB.
KSĐB là việc một TCTD bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động. Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của TCTD, NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào tình trạng KSĐB dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện.