Ngày 26/12, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ lãi suất cơ bản 2,5 điểm phần trăm xuống 47,5%, thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau gần 2 năm khi cố gắng kiểm soát lạm phát tăng cao.
Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Thổ Nhỉ Kỳ cho biết, với lạm phát chậm lại, Uỷ ban đang giảm lãi suất repo kỳ hạn một tuần xuống 47,5% từ mức 50% hiện tại.
Ủy ban cho biết trong một tuyên bố rằng xu hướng lạm phát tổng thể là không thay đổi trong tháng 11 và các chỉ số cho thấy lạm phát có khả năng giảm trong tháng 12. Nhu cầu trong nước đang chậm lại, giúp giảm lạm phát.
Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao trong những năm gần đây do dự trữ ngoại hối giảm và chính sách kinh tế phi truyền thống của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, dùng việc hạ lãi suất như một cách để kiềm chế lạm phát - chính sách mà sau đó chính ông đã từ bỏ.
Lạm phát tháng 11 đứng ở mức 47%, sau khi đạt đỉnh 85% vào cuối năm 2022, mặc dù các nhà kinh tế độc lập cho rằng tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều so với số liệu chính thức.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng lãi suất cao hơn giúp kiểm soát lạm phát, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải các Thống đốc ngân hàng trung ương vì không tuân thủ các chính sách cắt giảm lãi suất trước đây của ông.
Sau khi quay trở lại các chính sách thông thường hơn dưới sự điều hành của một đội các nhà kinh tế mới, Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất từ 8,5% lên 50% trong khoảng thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 3/2024. Lạm phát cao đã khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc mua những hàng hóa cơ bản như thực phẩm và nhà ở.
Trong một tuyên bố, ngân hàng trung ương – một ngày trước đó đã quyết định giảm số cuộc họp của Hội đồng chính sách tiền tệ từ 12 cuộc hiện nay xuống còn 8 cuộc họp vào năm tới– cho biết họ không nhất thiết phải tiếp tục nới lỏng lãi suất với tốc độ như cũ. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh sẽ “đưa ra quyết định một cách thận trọng trên cơ sở từng cuộc họp với trọng tâm tập trung vào triển vọng lạm phát”.
Hội đồng nhấn mạnh “sự suy giảm xu hướng chính” của lạm phát trong tháng cuối năm và sự suy giảm nhu cầu trong nước là lý do biện minh cho quy mô cắt giảm.
Okan Ertem, nhà kinh tế cấp cao tại Turk Ekonomi Bankasi AS ở Istanbul cho biết, ngân hàng trung ương “đã đưa ra hướng dẫn quan trọng trong tương lai bằng cách gắn các quyết định lãi suất với dữ liệu vĩ mô”. Điều đó báo hiệu “một cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu hơn là chu kỳ cắt giảm lãi suất”.
Mặc dù vậy, ông Ertem cho biết Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ hạ lãi suất 250 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp vào năm tới - hoặc tổng cộng là 20 điểm phần trăm. Đó là do dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy xu hướng giảm, ông nói.
Các doanh nghiệp hoan nghênh quyết định này. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Gultepe, cho biết ông hy vọng lãi suất sẽ nới lỏng hơn nữa “song song với việc lạm phát giảm chậm”.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống 47,1% từ mức hơn 75% trong tháng 3. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu giảm xuống 21% vào cuối năm 2025.
Việc quay trở lại chính sách tiền tệ chính thống hơn đã khuyến khích các nhà đầu tư quay trở lại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và đồng lira đã trở thành một trong những loại tiền tệ đem lại giao dịch chênh lệch giá tốt nhất thế giới trong năm nay. Giao dịch chênh lệch giá là khi các nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp để đầu tư vào một loại tiền có lãi suất cao hơn.
Lần cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất chuẩn là vào tháng 2/2023. Đó là trong thời kỳ chính sách cực kỳ lỏng lẻo theo chính sách mà Tổng thống Erdogan ủng hộ. Nhiều nhà kinh tế đổ lỗi cho tín dụng giá rẻ là nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao và các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ.