Văn hóa

Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6): Bác Hồ với thiếu nhi

Nguyễn Văn Toàn 01/06/2023 07:29

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi và Người đã dành muôn ngàn tình yêu thương dành cho các chủ nhân tương lai của đất nước.

anh-1-6-.jpg
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu lịch sử

Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1948) của tác giả Trần Dân Tiên đã viết lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến về đời sống của thiếu nhi ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) khi Người đặt chân lên đất nước này.

Cuốn sách viết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em nên Người nghiên cứu kỹ đời sống thiếu nhi ở Liên Xô. Chẳng hạn, lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ ở Liên Xô được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần bác sĩ đến thăm khám nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước, sau khi sinh đẻ và vẫn được hưởng lương.

Những đứa trẻ Liên Xô được gửi ở những vườn trẻ và có người chăm sóc. Trẻ em được chu cấp áo quần sạch sẽ, được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống đầy đủ. Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Ngoài trường học thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em. Các thành phố lớn đều có cung văn hoá của thiếu nhi. Các thành phố đều có thư viện và cửa hàng sách đặc biệt cho trẻ em. Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Những trẻ em đặc biệt có thiên tài được chính phủ giúp đỡ.

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra: “Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con… Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan. Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”[1].

Thiên đường của thiếu nhi này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến thiếu nhi Việt Nam. Người cũng muốn thiếu nhi Việt Nam “sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga”[2].

Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” viết năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về nổi cực khổ của thiếu nhi Việt Nam khi đất nước còn chưa được độc lập: “Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/ Học hành giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ lìa cha/ Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”. Do đó, Người mong muốn là “bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta giành được độc lập. Tuy nhiên, thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, toàn dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 2/1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rằng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt”.

Báo Sự thật, số 134 ra ngày 1/6/1950 đã đăng bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Trong thư Người viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô… Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến”.

Báo Cứu Quốc số 1828 ra ngày 29/5/1951, trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ngày 1/6 là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình. Bởi vậy, các cháu thiếu nhi cần phải thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ.

Năm 1955, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1959, trong dịp sang thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Moscow. Nói chuyện với các cháu, Người căn dặn: “Các cháu cố gắng học tập để sau này về phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xứng đáng là người đã được Ðảng, Chính phủ, nhân dân và thầy giáo Liên Xô săn sóc, dạy bảo, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản mà các cháu đang làm và sau này các cháu phải làm”[3].

Trên báo Nhân Dân số 2391 ra ngày 5/10/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cháu thiếu nhi rằng: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng sǎn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969. Người nhấn mạnh: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Người kêu gọi: “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp của các em thiếu niên, nhi đồng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (năm 1989) vào ngày 20/2/1990. Bên cạnh đó, khoản 1 điều 37 Hiến pháp 2013 quy định như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

Thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện, môi trường sống tốt hơn trong sinh hoạt học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí giúp các cháu thiếu niên, nhi đồng ngày càng phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần.



[1] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 60.

[2] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 60

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 429

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6): Bác Hồ với thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO