Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024): "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

Nguyễn Văn Toàn 30/04/2024 06:05

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

Ngày 20/10/1962, trong lần đầu tiên gặp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”.

Vì nhớ đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới gót giày đinh của quân xâm lược, dù đã ngoài 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện.

Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhớ lại: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”.

Tháng 3/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chú có ý khuyên Bác đi thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn”[1].

chu-tich-ho-chi-minh(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu

Tháng 3/1969, khi gặp các đồng chí Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái từ miền Nam ra họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc tới việc vào thăm miền Nam. Trước khi hai đồng chí trở lại chiến trường, Người hỏi: Các chú có thể chuẩn bị cho Bác sớm vào thăm đồng bào miền Nam được không? Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Hoàng Văn Thái đã xúc động thưa: “Chúng cháu nhất định hoàn thành nhiệm vụ để sớm rước Bác vào Nam”. Chưa vào được miền Nam, Người yêu cầu hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Người biết và đưa vào gặp Người.

Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (Báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Ngày 28/4/1975, nghe đài đưa tin phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu Phi đội Quyết Thắng của quân Giải phóng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên (phụ trách Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam) đã sáng tác nên bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Đúng 17h giờ ngày 30/4/1975, ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” được Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tiếp cho đến tận đêm khuya. Lời bài hát có giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích sau đó đã nhanh chóng phổ biến đến mọi người dân trong cả nước: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Miền Nam nhớ Bác

Tháng 9/1969, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, nhân dân miền Nam nghẹn ngào, đau đớn. Bất chấp mọi hiểm nguy đến tính mạng, đồng bào miền Nam tổ chức Lễ Truy điệu Người, lập bàn thờ Người ở chiến khu, ở ngay trong ấp chiến lược, ở ngay trong nhà, dưới hầm bí mật... Chỉ tính vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 4 tháng cuối năm 1969 có gần 30 đền thờ Bác Hồ. Trong bài “Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau”, nhà thơ tỉnh Tiền Giang Diệp Minh Tuyền đã viết: “Ở tận cùng mũi đất phương Nam/ Trong xanh rờn rừng đước/ Giữa ba bề rì rầm sóng nước/ Người quê tôi theo cách riêng mình/ Dựng một ngôi đền/ Thờ Bác kính yêu”.

Nhà thơ tỉnh Quảng Nam Thu Bồn cũng đã nói thay nhân dân miền Nam tri ân công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa thấy được dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam…/ Việt Nam ơi giống Tiên Rồng/ Bốn nghìn năm lấy máu hồng làm hoa/ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng”. Đó là tấm lòng chân thành với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc trong bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” được nhà thơ Thu Bồn viết ngay trong tháng 9/1969.

Trong bài thơ “Bác ơi!” viết vào ngày 6/9/1969, nhà thơ xứ Huế Tố Hữu đã xúc động dâng trào: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Biến muôn vàn đau thương thành quyết tâm cách mạng theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy lúc sinh thời, nhân dân miền Nam, cùng với nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 4/1976, nhà thơ Viễn Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cảm xúc đang trào: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim/ Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” (Viếng lăng Bác).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 2/7/1976) đã xem xét và thảo luận rằng: Nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người; trong công cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Do đó, Quốc hội đã Quyết nghị: “Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

Sau này, nhạc sĩ Cao Việt Bách có bài hát “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác” nói lên tình cảm của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ thành phố này Người đã ra đi/ Bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này/ Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà/ Thăm các cụ già cầm tay chúng con/ Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”/ Thành Phố Hồ Chí Minh/ Ngời ngời rực sáng tương lai/ Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ/ Trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác/ Lời Bác thiết ta dìu dắt chúng ta/ Sáng mãi bên Người Thành phố Hồ Chí Minh…”.

Cảm nhận sâu sắc về tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với miền Nam, đồng chí Trần Bạch Đằng (Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1968 – 1971) khẳng định rằng: “Đối với miền Nam, vai trò lãnh tụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 30 năm chiến tranh khốc liệt và mãi mãi là không thể thay thế. Đó là vai trò của trí tuệ, của tấm lòng, của thái độ đối với cuộc sống. Đó là biểu tượng chân, thiện, mỹ; biểu tượng của hào khí và đức độ. Bác Hồ thuyết phục và cảm hóa. Bác Hồ là gắn chặt truyền thống dân tộc với điều kiện hiện đại, hòa lẫn cái tinh anh của quá khứ với cái tân kỳ của thế kỷ 20”[2].



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập, 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 437

[2] Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 218

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024): "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO