Nghề của mẹ

Nguyễn Thị Thu Huyền| 16/04/2021 10:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vậy bây giờ, nếu ai đó hỏi tôi có muốn làm nhân viên ngân hàng giống mẹ không thì tôi đã có câu trả lời của tôi rồi đấy.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền (con mẹ Lê Thị Duyên - Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương)

 

Mới hôm trước khi đang lướt Facebook, tôi đọc được một bài tập làm văn khá thú vị của một học sinh tiểu học. Đề bài “Kể về một người lao động trí óc mà em biết”, em học sinh đã viết: “Em biết rất nhiều người làm việc trí óc nhưng trong đó em thích nhất là mẹ em. Mẹ em năm nay 30 tuổi và làm nhân viên ngân hàng. Hằng ngày, mẹ phải dán mắt vào máy tính làm việc. Tuy công việc bận rộn nhưng cuối tuần mẹ vẫn dành thời gian chơi với em. Em rất yêu quý và tự hào về mẹ nhưng lớn lên em sẽ làm công việc khác”.

Mẹ tôi cũng giống mẹ của em nhỏ đó, cũng làm ngân hàng. Mẹ đang công tác ở Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) - Chi nhánh Thăng Long, hằng ngày cũng phải dán mắt vào máy tính làm việc. Tuy công việc ban ngày rất vất vả, mệt mỏi nhưng khi về đến nhà mẹ luôn cố gắng dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Tôi bỗng suy nghĩ, nếu bây giờ ai đó hỏi tôi có muốn làm nhân viên ngân hàng như mẹ không thì tôi sẽ trả lời thế nào nhỉ?

Tôi vẫn nhớ hồi cấp 2, trường tôi học ở xa nhà nên bố mẹ vẫn phải đưa đón tôi đi học. Chiều đi học về, bố tiện đường nên thường hay đến đón tôi. Những hôm bố bận công việc hay đi công tác thì mẹ mới đảm nhận công việc này thay bố. Thú thật thì tôi thích được bố đón hơn, không phải vì tôi không thích mẹ đón mà vì đi với bố đồng nghĩa với việc được về nhà mình ngay, còn đi với mẹ, tôi cũng về nhà đấy, nhưng là ngôi nhà thứ 2 của mẹ, Ngân hàng Oceanbank. Mẹ tranh thủ đến đón tôi đúng giờ tan học để tôi khỏi chờ lâu, sau đó mẹ đưa  tôi trở lại cơ quan để làm nốt công việc của mẹ, xong việc mẹ mới đưa tôi về nhà. Trong lúc tôi ngồi chờ mẹ làm việc, mẹ thường hay bảo tôi lấy sách vở ra tranh thủ ngồi học bài. Tôi được “bố trí” một vị trí trông cũng khá ”oách” trong cơ quan mẹ để ngồi học, vừa học vừa lén lút quan sát các cô,chú làm việc. Trong khi nhân viên “bất đắc dĩ” là tôi còn loay hoay nghịch ngợm xung quanh thì mẹ và các cô chú trong phòng lại có sự tập trung tuyệt đối.

Trong phòng chỉ nghe thấy tiếng gõ máy tính “cạch, cạch”, thỉnh thoảng ai đó lại hỏi to một vài khái niệm gì đấy mà chắc chắn tôi chưa từng nghe bao giờ. Cũng nhờ những buổi “trải nghiệm” như thế, tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về công việc và những đồng nghiệp của mẹ ở ngân hàng. Thì ra ngân hàng không chỉ có những cô, chú giao dịch viên làm việc ở quầy giao dịch lúc nào cũng mặc những bộ đồng phục đẹp và luôn nở nụ cười niềm nở tiếp đón khách hàng mà còn có cả đội ngũ nhân viên làm việc bên trong để đảm bảo hoạt động của ngân hàng diễn ra trơn tru và hiệu quả. Mọi người đều có suy nghĩ làm ngân hàng thì sướng, nhưng đó chỉ là bề nổi mà thôi, làm ngân hàng đồng nghĩa với trách nhiệm cũng như những áp lực riêng: đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, về muộn, đau đầu với những con số hằng ngày, báo cáo abcxyz… Hơn thế nữa, những ngày đi làm với mẹ, tôi cũng làm quen được với những “người bạn đồng cảnh ngộ khác” cũng bất đắc dĩ đến tăng ca sau giờ học giống mình, nói chuyện với nhau chờ tan học lần hai.

 

Cuối năm cấp 3, tôi tình cờ xem bộ phim “The big short” vì có sự tham gia của hai diễn viên tôi rất thích, Christain Bale và Steve Carell. Sau này tôi mới biết đây là một bộ phim kinh điển, nằm trong danh sách phim phải xem nếu muốn theo ngành tài chính. Phim “The big short” tái hiện lại một cách điện ảnh hóa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 từ lúc nhen nhóm đến khi mọi thứ sụp đổ và những hệ lụy mà nó đem lại cho nền kinh tế thế giới. Câu chuyện bắt đầu khi những ngân hàng thương mại lớn ở Mỹ lạc quan với nền kinh tế và họ thực hiện các khoản vay cho mua nhà “dưới chuẩn” với quy mô lớn. Bong bóng bất động sản tan vỡ trở thành ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, nhiều ngân hàng lớn sụp đổ, tín dụng trì trệ,… rồi lan rộng đến các châu lục khác trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thật sự vào thời điểm khi xem bộ phim này, tôi không hiểu hết nội dung phim, chỉ cảm thấy thật sự ấn tượng về giới tài chính, tầm quan trọng của ngân hàng và cũng cảm thấy có chút thích thú với tài chính ngân hàng, tôi đã quyết định theo học tài chính. Năm thứ 3 học đại học, tôi tham gia cuộc thi “CFA Research Challenge” và chủ đề được lựa chọn của cuộc thi năm đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB). Trong suốt thời gian 3 tháng tìm hiểu, đánh giá, phân tích tài chính của ngân hàng, được gặp gỡ các bác, các cô chú, anh chị  được mọi người hướng dẫn cũng như qua tìm hiểu, đánh giá, phân tích dữ liệu, tìm hiểu về đạo đức nghề nghiệp..., tôi càng thấy có nhiều điều thú vị về tổ chức tài chính đặc biệt này, từ bản chất, đặc điểm, cách vận hành, dòng tiền cũng như cách phân tích và không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngân hàng với nền kinh tế của một quốc gia. Có lẽ vì thế, những người làm ở bộ phận back-office của ngân hàng phải chịu nhiều áp lực hơn, vì một quyết định, một sơ suất trong công việc của họ có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng và cả hệ thống.

Ngân hàng Oceanbank mẹ làm giờ đây không còn chiếc logo như hồi xưa khi tôi học cấp 2 nữa, hệ thống ngân hàng cũng có những thay đổi sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng để duy trì hoạt động sau sự cố năm 2014-2015. Ngân hàng giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới, trẻ trung, chuyên nghiệp và tân tiến hơn. Có lẽ, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên ngân hàng đã phải cố gắng rất nhiều để có được kết quả này khi mà chất lượng dịch vụ, tài sản của ngân hàng được cải thiện, hoạt động tín dụng cũng được quản lý chặt chẽ và thận trọng hơn để duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức an toàn.

Thế hệ trẻ như chúng tôi sau khi rời giảng đường đại học với sự năng động, nhiệt huyết và hoài bão của tuổi trẻ đều mong muốn trở thành một trong những bánh răng đảm bảo sự vận hành trơn tru của bộ máy một ngân hàng cũng như sự ổn định của thị trường tài chính của đất nước. Ngày ngày được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nơi đồng nghiệp tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ nhau, nơi tiếp xúc với những kiến thức mà mình thấy thích thú, nơi có những chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, nơi chúng tôi có cơ hội thăng tiến, được thể hiện năng lực bản thân, đặc biệt trước xu thế bùng nổ của Fintech và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…. Vậy bây giờ, nếu ai đó hỏi tôi có muốn làm nhân viên ngân hàng giống mẹ không? Tôi đã có câu trả lời của tôi rồi đấy!

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO