Nhà xã hội ế ẩm, mở bán nhiều lần

Minh Hoàng| 14/07/2020 16:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù giá bán không quá cao nhưng vị trí xa khu trung tâm, đường xá không thuận tiện… khiến nhiều dự án nhà xã hội ở Hà Nội mở bán liên tục mà vẫn ế ẩm.

Công ty cổ phần Vinaconex 21 vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội đợt 3 nhà 19T4 thuộc dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 9.000 m2, gồm 2 tòa nhà 19T1 và 19T4 cao 19 tầng (1 tầng hầm), trong đó tòa 19T1 gồm 432 căn hộ và tòa 19T4 gồm 180 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự án  hơn 527 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai và Công ty CP Vinaconex 21 làm chủ đầu tư.

Theo công bố của chủ đầu tư, giá bán căn hộ dự kiến 13 triệu đồng mỗi m2 (chưa bao gồm thuế GTGT 5% và chi phí bảo trì 2%).

Tại lần mở bán đợt 1 tòa 19T4, chủ đầu tư chỉ bán được 71 căn trên tổng số 180 căn của tòa nhà này. Riêng tòa 19T1 chủ đầu tư Vinaconex 21 đã phải chào bán tới… đợt thứ 10 do số lượng căn hộ tòa này nhiều hơn.

Một dự án nhà ở xã hội khác tại khu tái định cư Đông Hội, huyện Đông Anh của Công ty TNHH Thăng Long cũng đã mở bán tới 9 đợt. Hay như dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cũng đã mở bán tới đợt… thứ 13.

Cá biệt là dự án nhà ở xã hội ở khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O đã mở bán tới đợt 21 dù giá bán căn hộ dưới 10 triệu đồng/m2.

Người dân không mặn mà với nhà xã hội do ở quá xa trung tâm hoặc thiếu hạ tầng tiện ích. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), sức mua của một dự án nhà ở xã hội phụ thuộc rất nhiều vào vị trí. Trong đó, các dự án càng gần trung tâm thì người mua càng cao. Ông Đính cho rằng ở gần trung tâm, các dịch vụ xã hội như trường học, bệnh viện, công viên đảm bảo hơn.

Đồng quan điểm trên với ông Đính, một chuyên gia bất động sản ở Hà Nội (xin giấu tên) cho biết, về bản chất, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thường ít khi xây dựng đồng bộ công trình trường học, bệnh viện, khu mua sắm, vui chơi.... đi kèm. Điều này cũng dễ hiểu bởi các dự án nhà ở xã hội thường ít lợi nhuận nên nếu doanh nghiệp đầu tư thêm các công trình phụ trợ có thể sẽ thua lỗ.

Vị này cho biết thêm, có dự án ở gần khu trung tâm nhưng cũng ế ẩm, ít người mua có thể uy tín chủ đầu tư chưa cao hoặc bị “trói buộc” chính sách, thủ tục.

“Dù một số dự án nhà xã hội giá khá mềm so với nhà thương mại nhưng các dịch vụ xã hội đi kèm thiếu thốn nên người mua không mấy mặn mà”, vị này nói và cho biết nhiều người dân vẫn lựa chọn mua nhà ở thương mại với giá cao hơn 30 - 40%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà xã hội ế ẩm, mở bán nhiều lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO