Hoạt động ngân hàng

Nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng dẫn đầu về văn hóa doanh nghiệp

Minh Đức 13/12/2023 - 15:56

“Hơn 72% doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm xác định gia tăng trải nghiệm nhân viên sẽ là mục tiêu ưu tiên trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp năm 2024” - là một trong những nhận định đáng lưu ý từ Báo cáo “Đo lường mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp 2023 và Xu hướng 2024” do Blue C vừa phát hành.

trai-nghiem-nhan-vien.jpg
Hơn 72% doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Tài Chính – Ngân hàng – Bảo hiểm xác định gia tăng trải nghiệm nhân viên là mục tiêu ưu tiên trong năm 2024 (ảnh minh họa)

Báo cáo "Đo lường mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp (VHDN) 2023 và Xu hướng năm 2024", được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 195 doanh nghiệp từ 13 nhóm ngành nghề khác nhau do Blue C thực hiện. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Blue C tiến hành khảo sát thị trường nhằm cung cấp những đánh giá về hiện trạng VHDN và dự đoán xu hướng nổi bật của VHDN tại Việt Nam trong năm tiếp theo.

Nhóm doanh nghiệp Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm
dẫn đầu về mức độ trưởng thành văn hóa trong 2023

Theo báo cáo, điểm số trung bình của tất cả các doanh nghiệp tham gia khảo sát về mức độ trưởng thành văn hóa đạt 40,14 điểm, giảm 4,26 điểm so với năm 2022; theo đó giảm từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 (trên thang đo 6 cấp độ).

Đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có mức độ trưởng thành văn hóa ở cấp độ 3, chiếm 33,33%. Cả 14/14 yếu tố của VHDN đều giảm điểm, giảm nhiều nhất là ở tiêu chí đo lường và ngân sách, đánh dấu một năm nhiều thách thức của VHDN.

tai-chinh-ngan-hang-1.png
Nhóm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm dẫn đầu về mức độ trưởng thành VHDN

Xét theo nhóm ngành, các doanh nghiệp thuộc nhóm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm dẫn đầu về mức độ trưởng thành VHDN trong năm 2023, với điểm trung bình là 49,38 điểm, tương đương với cấp độ 4 (cấp độ Quản lý). Ở cấp độ này, VHDN đã được hoạch định bằng các kế hoạch cụ thể, cùng với sự hỗ trợ từ bộ máy tổ chức, quy trình và nguồn nhân lực quản lý của doanh nghiệp.

Ngoài ra, so sánh với điểm số đo lường trong năm 2022, Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm là một trong số ít nhóm ngành tăng điểm (0,2 điểm), trong khi hầu hết các ngành khác đều giảm điểm.

Điều này cũng tương đồng với kết quả đa số các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam như: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, TPBank,…

3 xu thế dẫn dắt Văn hóa doanh nghiệp năm 2024

Chuẩn bị khép lại một năm 2023 đầy biến động, đây là thời điểm các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển của tổ chức trong năm mới 2024; văn hóa doanh nghiệp cũng là một phần trong kế hoạch tổng quan đó.

Ở khía cạnh này, báo cáo đo lường văn hóa cũng đưa ra các xu hướng nổi bật trong năm 2024. Theo đó, đáng lưu ý nhất phải kể đến mức độ quan tâm cao của các doanh nghiệp Việt đối với việc “Gia tăng trải nghiệm nhân viên”, với 64,06% các doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định đây sẽ là mục tiêu ưu tiên. Tiếp theo đó là mục tiêu “Tạo dựng môi trường đổi mới - sáng tạo” và “Xây dựng tổ chức học tập”.

3 mục tiêu ưu tiên này đặc biệt thể hiện rõ nét tại các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, khi nhóm ngành này có mặt trong cả 3 bảng xếp hạng Top 3 ngành quan tâm nhiều nhất.

Cụ thể, có 72,22% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm tham gia khảo sát cho biết: Gia tăng trải nghiệm nhân viên là mục tiêu ưu tiên của họ trong năm 2024; 66,67% lựa chọn Xây dựng tổ chức học tập là ưu tiên. Cả hai chỉ số này của nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm đều đạt mức cao nhất trong 9 nhóm ngành được lựa chọn so sánh.

Ngoài ra, Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm cũng nằm trong top 3 nhóm ngành quan tâm đến Đổi mới Sáng tạo nhiều nhất với 61,11% doanh nghiệp lựa chọn đây là mục tiêu ưu tiên.

tai-chinh-ngan-hang-2.png
Các doanh nghiệp Tài chính - Ngân hàng – Bảo hiểm dẫn đầu về tỷ lệ quan tâm đến Gia tăng trải nghiệm nhân viên

Nhận định về 3 xu hướng này, ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc của Blue C (đơn vị phát hành báo cáo) cho biết, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, việc các doanh nghiệp quay trở vào bên trong để gia tăng sự gắn kết thông qua trải nghiệm nhân viên; thúc đẩy tinh thần học mới để gia tăng nội lực; và xây dựng môi trường đổi mới - sáng tạo để khuyến khích cái mới là những hướng đi đúng trong việc phát triển VHDN phù hợp với bối cảnh thị trường nhiều biến động và đòi hỏi sự linh hoạt, thích ứng cao.

anh-2_ceo-blue-c-le-quang-vu.png
Ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc Blue C

Với kinh nghiệm tư vấn, đào tạo VHDN và văn hóa số cho nhiều ngân hàng tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Blue C chia sẻ:Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng – nơi mà trải nghiệm khách hàng luôn được đề cao; thì việc ưu tiên cho trải nghiệm nhân viên càng trở nên cần thiết và quan trọng. Bởi vì, nhân viên hạnh phúc sẽ mang đến sự hài lòng của khách hàng”.

Ông Vũ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình nền tảng văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là định hình các chuẩn hành vi để áp dụng giá trị cốt lõi vào thực tế công việc hàng ngày của nhân viên. Khi định hình nền tảng phù hợp, những nhiệm vụ tiếp theo như thiết lập đội ngũ đại sứ văn hóa, đào tạo họ và phổ cập nền tảng đến từng nhân viên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Bên cạnh các thông tin trên, Báo cáo còn đưa ra các nhận định và số liệu đáng chú ý khác về: Mức độ trưởng thành VHDN theo ngành; mô hình bộ máy văn hóa phổ biến tại các doanh nghiệp Việt; mức độ xây dựng đội ngũ cộng tác viên/hạt nhân văn hóa; các chỉ số đo lường văn hóa phổ biến…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng dẫn đầu về văn hóa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO