(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Phát động phong trào thi đua cán bộ ngân hàng “Rèn đức - Luyện nghề - Sáng tạo”; Công bố Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu.
Toàn cảnh Hội nghị Phát động phong trào thi đua cán bộ ngân hàng “Rèn đức - Luyện nghề - Sáng tạo”; Công bố Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm ở Hà Nội có bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương.
Cán bộ ngân hàng thi đua “Rèn đức - Luyện nghề - Sáng tạo” lập thành tích chào mừng 70 năm thành lập ngành
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng - cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Bác về thi đua, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng đã chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tích cực triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nêu 6 yêu cầu để những nội dung của phong trào thi đua và Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả |
Bên cạnh đó, hằng năm, căn cứ, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, Thống đốc NHNN cũng phát động phong trào thi đua tập trung vào những nhiệm vụ khó, trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của ngành Ngân hàng.
Năm 2019 này, nhằm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp và nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ Ngân hàng, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2021), Thống đốc NHNN đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo, lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam”; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” (gọi tắt là Bộ chuẩn mực).
Thừa uỷ quyền của Thống đốc NHNN, ông Tạ Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ TĐKT đã thay mặt Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng phát động phong trào thi đua. Theo ông Tạ Quốc Hùng, đây là đợt thi đua đặc biệt (từ năm 2019 đến năm 2021) chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam, nên yêu cầu đặt ra là phong trào thi đua phải được triển khai thật sâu rộng trong toàn Ngành với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế và gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc triển khai thực hiện phong trào đảm bảo hiệu quả, thiết thực, thường xuyên, có kiểm tra, đánh giá sơ kết, tổng kết; động viên khen thưởng kịp thời và nhân rộng điển hình tiên tiến. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào thi đua.
Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng - Vẽ nên hình ảnh người cán bộ ngân hàng nghiêm túc, mẫn cán, đáng tin cậy
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký HHNH, thay mặt HHNH công bố Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng |
Tại Hội nghị, thay mặt HHNH công bố Bộ chuẩn mực, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký HHNH, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, chương trình công tác HHNH và để đáp ứng sát với yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, HHNH đã nghiên cứu, xây dựng “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” trên cơ sở kế thừa bản “Quy tắc đạo đức của HHNH” (ban hành năm 2014), tham khảo dự án nghiên cứu khoa học cấp ngành về “Xây dựng bộ quy tắc đạo đức cho cán bộ ngân hàng” năm 2015 do PGS,TS Nguyễn Kim Anh làm chủ nhiệm, công trình nghiên cứu của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về “Đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên Công đoàn Ngân hàng Việt Nam”, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức hội viên và chuyên gia trong, ngoài, ngành. Với tinh thần chắt lọc những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với người cán bộ ngân hàng, Bộ chuẩn mực được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho việc thực hành; trong đó, nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng.
Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: (1) Tính tuân thủ; (2) Sự cẩn trọng; (3) Sự liêm chính; (4) Sự tận tâm và chuyên cần; (5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; (6) Ý thức bảo mật thông tin. Mỗi chuẩn mực nêu lên những điều cán bộ ngân hàng cần phải làm và những điều cán bộ ngân hàng không được làm.
Hai quy tắc ứng xử gồm Ứng xử trong nội bộ và Ứng xử với khách hàng và đối tác.
Giải thích về ý nghĩa, sự cần thiết của 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: Tính tuân thủ: Được coi là yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc. Cán bộ ở vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu chấp hành và có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện nghiêm; Sự cẩn trọng: Cùng với tính tuân thủ, cẩn trọng trong mọi công việc là yêu cầu không thể thiếu, nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường. Làm ngân hàng không cho phép sự liều lĩnh, mạo hiểm, cần sự chắc chắn; Sự liêm chính: Đây là yêu cầu đối với mọi ngành nghề; song với đặc thù của nghề ngân hàng - gắn với tiền, càng đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải rèn luyện phẩm chất này, phải kiên định, bản lĩnh, tránh sự cám dỗ của đồng tiền; Sự tận tâm và chuyên cần: Có tận tâm và chuyên cần mới hoàn thành tốt được nhiêm vụ, mới không ngừng nâng cao được năng lực của bản thân, ngày càng tinh thông nghiệp vụ, từ đó càng đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề; Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu đặt ra nhằm đáp ứng được đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi, áp lực cạnh tranh gia tăng, cán bộ ngân hàng cần nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh; Ý thức bảo mật thông tin: Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết. Do đó, từng cán bộ ngân hàng đều phải chú ý và rèn luyện ý thức này.
Sáu chuẩn mực có sự gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, và tổng hợp lại sẽ vẽ nên hình ảnh người cán bộ ngân hàng nghiêm túc, mẫn cán, đáng tin cậy.
Đối với quy tắc ứng xử, Bộ chuẩn mực đưa ra những quy định khái quát về thái độ, phong cách trong giao tiếp cả trong nội bộ và với bên ngoài, thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, thực hiện tốt theo những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, giúp giảm thiểu và ngăn ngừa được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng và cũng là sự tự bảo vệ của chính bản thân người cán bộ ngân hàng. Đây cũng là yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ổn định, an toàn, bền vững ngành ngân hàng.
Chung tay vào cuộc, hưởng ứng tích cực
Để những nội dung của phong trào thi đua và Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nêu 6 yêu cầu:
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ trong đơn vị về các nội dung phát động thi đua của Thống đốc, Bộ chuẩn mực. Các đơn vị làm công tác truyền thông của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng phải phối hợp tổ chức tốt công tác truyền thông nội bộ để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức đầy đủ và tích cực tham gia phong trào thi đua; nắm rõ để tự giác thực hiện Bộ chuẩn mực, coi đây là trách nhiệm, quyền lợi và cũng là công cụ bảo vệ chính bản thân trước các rủi ro, cám dỗ.
Thứ hai, đề cao vai trò trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các nội dung thi đua và Bộ chuẩn mực.
Thứ ba, mỗi cán bộ Ngân hàng cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tính tuân thủ, sự cẩn trọng, liêm chính, tận tâm, chuyên cần, ý thức bảo mật thông tin; chủ động tìm tòi, sáng tạo thể hiện tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ tư, có giải pháp, kế hoạch cụ thể với nhiều hình thức đa dạng để triển khai hiệu quả các nội dung thi đua và áp dụng Bộ chuẩn mực.
Thứ năm, đối với các tổ chức tín dụng, việc triển khai thực hiện Bộ chuẩn mực phải gắn với việc thực hiện các nội dung của Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu ở từng đơn vị và việc thực hiện Chỉ thị 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
Thứ sáu, Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung phát động thi đua của Thống đốc và Bộ chuẩn mực; đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với tập thể, cá nhân có thành tích, có sáng kiến trong việc thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch thường Trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam - phát biểu tại hội nghị |
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN), trong phát biểu hưởng ứng đã khẳng định: Để góp phần cùng toàn ngành Ngân hàng nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ, kỷ luật hành chính, văn hóa nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng, trong thời gian tới, CĐNHVN sẽ tập trung hơn nữa vào việc tuyên truyền, giáo dục và động viên đoàn viên, người lao động trong ngành Ngân hàng tiếp tục rèn luyện đạo đức công vụ, nâng cao văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động ngành ngân hàng về tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức, nâng cao văn hóa nghề nghiệp trong việc thực thi nhiệm vụ của ngành Ngân hàng.
Ngay trong tháng 4 và tháng 5/2019, CĐNHVN sẽ tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” trên website CĐNHVN và tổ chức Hội nghị biểu dương Công nhân viên chức lao động điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng lần thứ 2, giai đoạn 2015-2018.
Bí thư đoàn thanh niên Ngân hàng Trung ương Ngô Đức Bình kêu gọi đoàn viên thanh niên hưởng ứng phong trào thi đua, thực hiện tốt bộ chuẩn mực đạo đức |
Đại diện cho thế hệ trẻ của ngành, Bí thư Đoàn thanh niên Ngân hàng Trung ương Ngô Đức Bình cũng đã kêu gọi đoàn viên thanh niên hưởng ứng phong trào thi đua, thực hiện tốt Bộ chuẩn mực đạo đức. “Với trách nhiệm chính trị trước Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, Đoàn thanh niên xin thể hiện nhất trí một lòng hưởng ứng tích cực các nội dung phong trào thi đua do Thống đốc NHNN phát động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng ngành Ngân hàng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới”, Bí thư Đoàn thanh niên Ngô Đức Bình nói.
Với sự vào cuộc trách nhiệm cao của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực, tự giác của cán bộ, nhân viên ngân hàng, sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của ngành, tiếp tục xuất hiện thêm nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu góp phần làm tăng niềm tin và giữ gìn hình ảnh đẹp về ngành Ngân hàng.
Nhân dịp này, bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương đã trao tặng cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Ngân hàng Nhà nước gồm: Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản trị, Trung tâm thông tín tín dụng (CIC).
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng trao cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước cho các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Cơ quan Đảng ủy Ngân hàng Trung ương; Cục Phát hành kho quỹ.
|