Khảo sát "Người tiêu dùng 2024" của PwC cho thấy, cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là kết quả chính từ Khảo sát Người tiêu dùng của PwC với hơn 7.000 người tham gia từ khắp 11 vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 515 người từ Việt Nam.
Theo đó, 67% người Việt Nam tham gia khảo sát mua sắm trực tuyến qua điện thoại di động, 63% mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và 44% mua sắm trực tuyến qua máy tính cá nhân.
Khảo sát của PwC cũng cho thấy, tương tự như tại châu Á - Thái Bình Dương, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội và sử dụng mạng xã hội cho việc mua sắm, tương tác với người bán trong suốt quá trình mua hàng (sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng).
71% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ từng mua sắm qua mạng xã hội, trong khi con số này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 56%. Bên cạnh đó, 91% cho biết các quảng cáo trên mạng xã hội có thể tác động tới quyết định mua hàng của họ (tỷ lệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 80%).
Tuy nhiên, 77% trong số người Việt Nam được hỏi cũng bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu khi mua hàng qua các nền tảng này.
"Trước những đánh giá tiêu cực khi mua sắm trực tuyến, dường như niềm tin của người tiêu dùng đã bị suy giảm khi cân nhắc về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội", PwC lưu ý.
Mặt khác, khảo sát của PwC cũng đưa ra những phản hồi về vấn đề người tiêu dùng Việt Nam đang phải đối mặt, đó là giá cả gia tăng và việc đảm bảo khả năng chi trả.
Tương tự như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nền kinh tế Việt Nam cũng đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc tăng giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các chi phí thiết yếu khác được xem là rủi ro lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới (63%). Trong khi đó, biến động kinh tế vĩ mô được xếp ở vị trí thứ hai (52%).
Nhìn chung, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. Họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.
Theo báo cáo của World Data Lab, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 11 thế giới vào năm 2030, với 80 triệu người tiêu dùng (tăng 34% so với năm 2024). Với dân số 100 triệu người, Việt Nam dự kiến sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với thu nhập trên 20 USD/ngày tính theo sức mua ngang giá không đổi trong giai đoạn 2021-2030.
"Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng. Khảo sát của chúng tôi cho thấy việc xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt", ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ, PwC Việt Nam, đánh giá.
Ngoài ra, AI đã và đang thay đổi sâu sắc cách sống và làm việc. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào AI, đặc biệt trong các hoạt động mua sắm, sẽ quyết định đến việc AI có thực sự thay thế được con người hay không.
"Khảo sát của của chúng tôi cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro, nhưng vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp", PwC cho biết thêm.