Quà tặng cuộc sống

Nguyễn Thị Minh Thúy| 09/04/2021 20:42
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tôi đi một mạch vào nhà vệ sinh, khép cánh cửa lại, nước mắt bỗng dưng chảy mãi không ngừng. Tôi tự hỏi mình: “Tôi đã làm gì sai? Sao lại đối xử với tôi như thế? Một ngày, chúng tôi tiếp rất rất nhiều khách hàng, lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ, tư vấn nhiệt tình, kỹ càng, cẩn thận.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hoàng Mai

 

Một buổi sáng mùa thu đẹp nhẹ nhàng, 7h40 tôi đã có mặt ở ngân hàng, trong lòng vui vui thầm nghĩ: “Hôm nay mình sẽ là người đến sớm nhất phòng”. Vừa bước đến cửa một giọng nói rất to rõ ràng:

  • A! Chào con gái. Nay đi làm sớm thế con!
  • Con chào chú! Chúc chú ngày mới tốt lành. Nay con có người chở đi làm nên đi nhanh ạ!
  • Ồ thế thì tốt quá! Thôi vào chuẩn bị làm việc đi con.
  • Vâng ạ!

Đấy chính là chú bảo vệ của chúng tôi, ngày ngày bảo vệ sự an toàn cho Ngân hàng. Chú là bộ đội về hưu nên tác phong rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Ngày nào tôi đến cũng thấy chú đã nghiêm chỉnh trang phục, sẵn sàng cho một ngày mới. Buổi sáng tôi đến chú luôn hỏi thăm, cười tươi và chào tôi với ánh mắt thân thiện cùng với động tác giơ tay chào kiểu quân đội. Hai chú cháu nói chuyện thật vui vẻ tạo hứng khởi đầu ngày làm việc.

Bước vào phòng đúng như tôi nghĩ chưa có ai đến cả. Tôi ngồi vào quầy làm việc của mình trang điểm nhẹ một chút. Quàng trên vai chiếc khăn xanh của VCB cùng với biển tên và huy hiệu một cách ngay ngắn. Cảm thấy thật tự hào khi được mang trên mình trang phục VCB:

“Cô gái Vietcombank

 Quàng chiếc khăn xanh

 Huy hiệu lấp lánh

 Nụ cười trong tranh

 Em là cô gái Vietcombank”…

Đang lẩm nhẩm đọc bài thơ mình tự nghĩ thì có tiếng gọi:

  • Chào Mỹ Miều! Nay đi làm sớm hơn anh cơ à?
  • Chào soái ca! Thi thoảng đến sớm cho thiên hạ nó giật mình anh ạ!

Hai anh em cùng cười phá lên. Ngày mới đến cơ quan thật vui vẻ. Đấy là anh Lê Đức Phúc, anh ngồi quầy bên cạnh tôi. Anh cũng là nam duy nhất trong quầy. Sáng nào cũng đến sớm nhất, bật hết các máy tính, ti vi lên cho cả phòng. Anh luôn là người anh ân cần, và nhiệt huyết với tất cả mọi người cũng như công việc trong phòng. Nên mọi người gọi anh là: “Soái ca”.

Vài phút sau thì mọi người cũng lần lượt đến đông đủ. Tất cả cùng chào hỏi nói chuyện vui vẻ đầu ngày. Đúng 8h sáng tất cả các quầy đều ngồi nghiêm chỉnh và bấm số gọi khách. Hôm nay là thứ Sáu nên lượng khách khá đông, mới đầu ngày mà khách hàng đã ngồi kín hết ghế. Những nụ cười tươi chào đón khách vào quầy, những đôi tay nhỏ đánh máy thoăn thoắt, máy đếm chạy xoành xoạch không nghỉ, tiếng đóng dấu “cộp, cộp…” giòn tan, sôi động, tấp nập. Những cái gật đầu cảm ơn, những nụ cười hài lòng của khách hàng luôn là động lực cho chúng tôi làm việc hăng say. Nhưng khách hàng mỗi lúc một đông, có khách hàng bắt đầu đứng lên ngồi xuống tỏ vẻ sốt ruột. Có khách lại đưa tay lên nhìn đồng hồ liên tục chờ đến lượt mình.

Xin mời quý khách số “68” đến quầy số 7

Xin mời quý khách số “68” đến quầy số 7

Một anh tiến đến gần. Anh cao chừng 1m 75, áo sơ mi kẻ ô xanh kết hợp với chiếc quần jean, nó rất hợp với anh. Mái tóc vuốt keo, và quả kính râm tô điểm cho khuôn mặt điển trai của anh. “Ôi đẹp trai như Phan Hải” chính tôi bị đứng hình mất mấy giây trước sự đẹp trai pha một chút ngầu của anh.

  • Tôi cười tươi: “Em chào” (chưa cả kịp nói xong)
  • Cả một cái ngân hàng to như thế này mà làm cái gì cũng lâu kinh khủng. Làm ăn lề mề, chờ gần tiếng đồng hồ mới vào đến quầy. Có mấy cái số mà chờ rõ là lâu mất hết cả thời gian.
  • Dạ! Mong anh thông cảm vì hôm nay thứ Sáu cũng đông hơn.
  • Cả một cái ngân hàng to thế này mà được vài quầy gọi số. Các quầy khác ngồi chơi à. Cái quầy kia tiếp khách gì mà cả tiếng không xong.
  • Dạ thưa anh quầy đấy đang chuyển tiền nước ngoài bên em phải kiểm tra hồ sơ và mua bán ngoại tệ để chuyển đi nên hơi lâu một chút anh ạ!
  • Đông khách thì phải tăng người lên, không tuyển thêm được người à. Ít khách cũng có bằng này quầy, đông khách cũng bằng này quầy. Khách hàng cũng có bao nhiêu việc chứ có phải mỗi việc ra ngân hàng đâu.

LÃNH ĐẠO ĐÂU CHO TÔI GẶP LÃNH ĐẠO???

Anh Trưởng phòng ngồi sau đứng dậy đi ra gật đầu chào khách:

  • Vâng! Chào anh, tôi là Trưởng phòng ở đây.
  • Vietcombank không cần khách hàng à? Khách thì đông như thế này mà chỉ có vài quầy tiếp khách, chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt???
  • Cũng mong anh thông cảm giúp vì hôm nay thứ Sáu đông khách, các bạn ở đây cũng đã làm rất nhanh để giải phóng khách. Nếu hôm tới anh qua thì mời anh qua lúc đầu buổi sáng hoặc đầu buổi chiều, 1h chiều thì vắng khách hơn sẽ làm sớm được cho anh. Thế giờ để bạn ấy làm luôn cho anh, tránh mất thời gian của anh và của người khác ạ!

Anh Trưởng phòng quay sang tôi đặt nhẹ tay lên vai rồi nói nhẹ nhàng: “Em cứ bình tĩnh rồi làm cho anh ấy luôn đi”. Tôi quay sang nhìn anh khẽ thở dài một cái rồi quay mặt, mắt hướng về anh khách hàng, cười nhẹ nhàng:

  • Vâng, em có thể giúp gì anh được ạ?
  • Anh nộp tiền tài khoản. Nộp năm trăm triệu. Em không phải kiểm đâu, anh vừa rút ở ngân hàng khác ra, vẫn còn nguyên bó.

Nói xong, anh ném vào quầy cả túi tiền, ném luôn cả Chứng minh thư của anh vào trong quầy.

  • Làm nhanh lên anh đang rất vội.
  • Em biết anh đang vội nhưng theo nguyên tắc của ngân hàng thì em vẫn phải kiểm đếm tiền. Anh chờ em xíu nhé!

Tôi bắt đầu cắt từng bó tiền ra đếm. Đang đếm tiền thì bỗng:

Tít... tít… tít …

Ôi không!

Kẹt tiền!

Tôi vội vàng tắt máy và tháo máy ra để lấy tờ tiền bị kẹt, đang loay hoay thì có một giọng nói ấm áp bên tai:

  • Em đứng lùi ra để anh làm cho.

Đấy là giọng nói của anh Phúc, anh đã nhanh chóng sang chỗ tôi và nhanh như chớp anh lấy tiền bị kẹt ra và lắp lại máy cho tôi. Xong xuôi anh đếm giúp tôi mấy bó tiền để xử lý khách hàng cho nhanh.

  • Lâu quá em ơi! sắp xong chưa? Em là nhân viên mới à, chưa biết đếm tiền à???  Sao có mấy bó mà đếm không nổi thế?

Cái giọng nói gay gắt có phần chỉ trích làm tôi như bị chết lặng. Khuôn mặt cau có và tức giận của anh làm tôi bị mất bình tĩnh, sợ hãi, tay tôi run lên cầm phiếu mà cảm giác không cầm nổi, hai má nóng phừng phừng vì sợ. Làm xong cho anh tôi gửi anh biên lai nộp tiền, chứng minh thư và cúi chào anh. Còn anh giật lấy giấy tờ rồi quay lưng đi luôn.

Anh đi được một đoạn tôi cũng đi ra ngoài một chút để lấy lại bình tĩnh. Đi ra đến cửa là ánh mắt chú bảo vệ đang trũng xuống nhìn tôi rồi nói:

  • Khách đi rồi là thôi con gái nhé! Đừng nghĩ ngợi gì cả để còn làm việc tiếp.
  • Dạ! cháu cảm ơn chú, cháu biết rồi ạ!

Tôi đi một mạch vào nhà vệ sinh, khép cánh cửa lại, nước mắt bỗng dưng chảy mãi không ngừng. Tôi tự hỏi mình: “Tôi đã làm gì sai? Sao lại đối xử với tôi như thế? Một ngày chúng tôi tiếp rất rất nhiều khách hàng, lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ, tư vấn nhiệt tình, kỹ càng, cẩn thận. Khách đông mải tiếp khách còn không cả uống nước, không có thời gian đi vệ sinh. Có những ngày nhiều việc về muộn còn bỏ bê cả việc gia đình, chồng con. Tại sao lại mắng tôi? Hay là khách hàng thì được quyền mắng, được quyền xúc phạm? Buồn cũng mắng, tức cũng mắng, chán cũng mắng. Còn tôi làm cái nghề dịch vụ thì phải nghe, phải chịu? Sai cũng nghe, đúng cũng nghe, bị xúc phạm cũng phải nghe?”

Tủi thân khóc nấc lên như một đứa trẻ con, rồi lại gạt nước mắt, lau khô mặt, tự mỉm cười để còn tiếp tục làm việc. Nhưng dù đã cố cũng chẳng thể nào giấu đi đôi mắt đỏ hoe sưng húp. Ngồi xuống ghế là tiếng thì thào của cô bạn đồng nghiệp ngồi bên cạnh:

  • Sao thế? Khóc à? Khổ thân! Thôi khách mà, người này người kia, kệ đi, tập trung vào làm không lại lệch tiền thì còn khổ hơn.

Câu chuyện ồn ào tại quầy làm khuấy động cả phòng. Mọi người đều đến động viên, cũng như nói chuyện làm tôi vui và cười trở lại, có cả khách hàng những người chứng kiến cũng thấy mà động viên vài câu. Bên cạnh những khách hàng ồn ào luôn có những khách hàng rất hiểu và cảm thông.

Kết thúc một ngày làm việc với những nốt thăng trầm, anh Trưởng phòng gọi tôi lại và nói:

  • Thôi cũng hết một ngày làm việc, cũng không buồn nữa nhé! đừng vì một khách hàng mà làm ảnh hưởng đến mình, ảnh hưởng đến tâm lý và ảnh đến những khách hàng khác. Khách hàng thì mỗi người một kiểu, mỗi người một tính, em hãy coi như đó là những trải nghiệm mà sau mỗi một lần như vậy ta sẽ trưởng thành hơn. Vì em không chỉ trưởng thành trong kỹ năng nghiệp vụ, mà còn phải trưởng thành cả trong kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống nữa.
  • Dạ vâng, Em cảm ơn anh! Em sẽ cố gắng hơn.
  • Ừ thôi về đi, cũng muộn rồi.
  •  

     

Anh Trưởng phòng vẫn luôn như thế, lúc nào cũng nhẹ nhàng và ân cần với anh em trong phòng. Dù công việc có vất vả, chỉ tiêu có cao hay lỡ có làm sai gì anh cũng nhẹ nhàng khuyên bảo để mọi người cùng nhận ra vấn đề, để thay đổi, để tốt hơn. Anh không bao giờ la mắng, quát tháo hay mạt sát nhân viên. Luôn động viên tất cả phòng đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau làm việc. Một người anh, một người Trưởng phòng tuyệt vời của chúng tôi.

 Ra đến gần cửa đứng check out vân tay, chú bảo vệ lại gần bảo:

  • Thôi, về nhà nghỉ ngơi đi rồi thứ 2 lại vui vẻ đi làm con nhé!
  • Con cảm ơn chú, hẹn gặp chú thứ Hai ạ!
  • Ừ, về đi có người đứng chờ ở ngoài rồi đó.

Chú cười khà khà rồi giơ tay chào. Tôi cúi đầu chào chú rồi về. Ra đến cửa nhìn thấy người yêu đang đứng chờ sẵn, trên xe là bó Cúc Họa Mi.

  • Anh chờ em lâu không?
  • Hơi lâu, tặng em bó hoa này, giờ đi ăn nhé!
  • Vâng ạ! (cười mỉm)

Vừa đội mũ cho tôi anh vừa hỏi: “Thế hôm nay có anh nào đẹp trai, nhiều tiền vào quầy không? Suốt ngày được ngắm trai đẹp. Sướng nhất em!”

  • Ui! Nhiều anh đẹp trai cực kì luôn.

Cười tít mắt, khẽ vòng tay ôm người yêu, má ghé vào bờ vai anh. Đi cùng anh qua từng con phố, hàng cây. Những làn gió mát buổi tối mùa thu như đang đuổi theo, đùa nghịch lên mái tóc. Kết thúc một ngày làm việc đặc biệt với những cảm xúc đặc biệt.

Cuộc sống muôn màu và khách hàng cũng thế. Người đang chờ đến lượt thì chỉ mong ngân hàng làm nhanh để còn đến lượt mình vào. Người đang ngồi làm thì lại muốn được chăm sóc kỹ, muốn được tư vấn, được hỏi thăm, được quan tâm. Có bác vào gửi tiết kiệm vừa gửi tiền vừa tâm sự chuyện gia đình. Hoặc có chị vừa chuyển tiền vừa chia sẻ cách làm đẹp. Khách muốn rút toàn tiền chẵn mà không đủ cũng mắng. Khách cần tiền lẻ không có cũng mắng. Ngân hàng nói là chữ ký không đúng nhờ khách ký lại cũng mắng, chứng minh thư không đúng cũng mắng … Những lời nói nặng lời không thương tiếc, họ làm cho tôi thỉnh thoảng cảm thấy bị tổn thương, một chút buồn, nhưng đằng sau đó cũng là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa.

Những lúc như thế người bên cạnh tôi lúc đó không phải là bố mẹ, không phải là cô chú, anh em, hay người yêu. Mà bên cạnh tôi, sát cánh cùng tôi, xử lý khách tại quầy với tôi, động viên tôi là các anh chị lãnh đạo phòng, là các bạn đồng nghiệp, là những người luôn coi tôi như người trong nhà. Đây chính là Quà Tặng Cuộc Sống mà tôi nhận được từ những ngày đầu, cũng như hành trình 7 năm được làm việc tại Vietcombank và sự gắn bó còn lâu dài hơn nữa. Với tôi, Vietcombank là ngôi nhà thứ hai của mình, ở đây tôi được học hỏi, được yêu thương, được quan tâm, được đồng hành, được phát triển. Đây cũng chính là một trong những nét đẹp nhân văn của Văn hóa Vietcombank, là Quà tặng cuộc sống không chỉ của tôi, mà là của tất cả các anh, chị, em đồng nghiệp đang công tác trong hệ thống ngân hàng Vietcombank.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quà tặng cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO