Đến cuối tháng 3/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.575 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cuối năm 2023; tăng 9,45% so với cùng kỳ. Kết quả này phù hợp với tăng trưởng kinh tế thành phố quý I/2024.
Mặc dù so với cùng kỳ 3 năm gần đây, tín dụng quý I/2024 tăng trưởng thấp hơn. Song, với việc tín dụng tăng trưởng cao trở lại trong tháng 3/2024, với mức tăng 1,9% (sau khi tín dụng tăng trưởng âm 0,93% trong tháng 1/2024 và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2/2024), có ý nghĩa quan trọng và phản ánh xu hướng tích trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu về hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể:
Đầu tiên, tín dụng tăng trưởng trong tháng 03/2024 ở mức 1,9%, là mức tăng trưởng cao (tháng 3/2023 tín dụng tăng 1,4%; năm 2022 tăng 3,5% và năm 2021 tăng 1,8%), không chỉ phản ánh sự phù hợp và yếu tố tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế, từ hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố mà còn phản ánh xu hướng tăng trưởng trở lại của tín dụng trên địa bàn trong quý I/2024.
Tiếp đến, tăng trưởng tín dụng cải thiện cũng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHTW tiếp tục phát huy tác dụng. Chính lãi suất thấp, cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp và hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó có tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường bất động sản, với nhu cầu và giao dịch mua bán đã tăng trưởng hơn trong những tháng gần đây và tác động hiệu ứng đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn.
Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân, đã giải ngân từ gói 20.000 tỷ với lãi suất ưu đãi (của các công ty tài chính tiêu dùng) trên địa bàn đạt gần 259 tỷ đồng, cho 10.554 khách hàng. Khoản vay nhỏ lẻ, song ý nghĩa lớn bởi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội, cũng như góp phần phòng chống và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.
Cuối cùng, tăng trưởng kinh tế, cùng cơ chế chính sách tốt không chỉ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp mà còn là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ có tác động ngược trở lại kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn và tạo sự tuần hoàn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng hiện nay tiếp tục được duy trì tốt trong tháng 4/2024 và các tháng tiếp theo, sẽ là cơ sở nền tảng để một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng được bắt đầu. Đây sẽ là chỉ dấu tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức.
Ở góc độ quản lý, các TCTD trên địa bàn tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với nội hàm thực hiện tốt chính sách tín dụng- lãi suất của NHTW; nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục cải cách hành chính, góp phần tiết giảm tối đa chi phí cho khách hàng và doanh nghiệp trong sử dụng vốn, dịch vụ ngân hàng, mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tham gia tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động kết nối ngân hàng, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển.