(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bộ Công Thương cho biết, sau 8 năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngày 15/11/2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức ký kết RCEP.
Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, là thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ khoảng 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực trước cuối năm 2021.
Để thực thi RCEP, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Dự thảo nêu rõ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải: a) có một mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên; b) có số tham chiếu cụ thể; c) thể hiện bằng tiếng Anh; d) có chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu. Chữ ký và con dấu có thể bằng tay hoặc bằng điện tử.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra, xác minh theo những phương thức như sau:
a) gửi thư đề nghị yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin;
b) gửi thư đề nghị yêu cầu nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin;
c) gửi thư đề nghị cho tổ chức cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin;
d) kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu bằng việc quan sát quá trình sản xuất sản phẩm và kiểm tra các chứng từ, tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng hóa bao gồm các dữ liệu kế toán;
đ) bất kỳ cơ chế mà các nước thành viên thoả thuận.
Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép thông quan hàng hóa nhưng có thể yêu cầu việc thông quan cần tuân thủ theo quy định nội luật.