Sự thay đổi chính sách tiền tệ của châu Âu: Quá ít và quá muộn?

Mai Chi| 18/06/2022 15:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối cùng đã thừa nhận lạm phát cao là một mối nguy hiểm. Họ đã đưa ra các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh này là quá muộn.

Áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lúc này là quá lớn; họ không còn có thể phớt lờ tỷ lệ lạm phát tăng vọt trong khu vực đồng euro và coi đó là "hiện tượng tạm thời", như Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nói vào tháng 12/2021.

Câu thần chú "giữ bình tĩnh” của Chủ tịch ECB trước sự tấn công nhanh chóng chưa từng có của giá cả tăng cao, đặc biệt là đối với thực phẩm và năng lượng, đã bị thực tế thị trường cuốn phăng và đang trở thành mối đe dọa đối với tình hình tài chính của các tập đoàn, quốc gia và người tiêu dùng.

Chính phủ các quốc gia châu Âu đang cố gắng ngăn chặn làn sóng tăng giá bằng các gói viện trợ khổng lồ, chủ yếu dành cho các hộ gia đình và những người có thu nhập thấp. Chẳng hạn, Đức tặng người dân phiếu mua năng lượng trị giá 300 € (319 USD), trợ cấp nhiên liệu cho ô tô và đưa ra gói vé tháng giá € 9 để sử dụng phương tiện giao thông công cộng có giá trị đến tháng 9.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB - nhóm những người có các công cụ hiệu quả nhất để chống lạm phát - đã không có động thái gì đáng kể trong nửa đầu năm nay. Đáng lẽ, từ nhiều tháng trước, họ nên biết rằng không có cách nào có thể tránh tăng lãi suất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Đường lối hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có lãi suất thấp và lạm phát đang là cơn ác mộng - lẽ ra đã là một bài học đáng giá cho các nhà hoạch định chính sách. (Đáng tiếc là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tin rằng việc tăng lãi suất sẽ thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng nhiều hơn).

Nhưng các nhà hoạch định chính sách của ECB dường như cuối cùng cũng đã tỉnh táo, dù miễn cưỡng, và đồng ý thắt chặt các điều kiện tiền tệ. Sau 11 năm dài khó tin, lãi suất cơ bản khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng 0,25% vào tháng 7 và việc mua tài sản khổng lồ của ECB sẽ dừng lại.

Trong vài tháng qua, Chủ tịch ECB Christine Lagarde liên tục lặp đi lặp lại rằng các động thái cần thiết đang được thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện tăng lãi suất vào cuối tháng 7 được cho là quá muộn!

Tại sao lại là quá muộn?

Tin vào lạm phát là một hệ quả nguy hiểm. Với việc giá cả tăng lên hàng tuần, người tiêu dùng sẽ tin rằng mọi thứ đang trở nên đắt đỏ hơn. Hay như cố Chủ tịch Bundesbank Đức Otmar Emminger từng châm biếm trong thời kỳ lạm phát cao những năm 1970: "Ai tán tỉnh lạm phát sẽ phải kết hôn với nó". Đó là bởi vì một khi niềm tin cho rằng giá cả ngày càng cao bén rễ, các liên đoàn lao động sẽ không ngừng yêu cầu mức lương cao hơn cho các lao động, do đó tạo ra một vòng xoáy chuyển động giá tiền lương dẫn đến lạm phát thậm chí còn cao hơn.

Một vòng xoáy như vậy là rất khó để kiềm chế, đó là lý do tại sao việc tăng lãi suất của ECB là điều đúng đắn nên làm, nhưng lẽ ra nó phải được điều chỉnh sớm hơn nhiều và thậm chí có thể được thực hiện ở mức cao hơn.

Hiển nhiên, các thị trường tài chính châu Âu đã phản ứng với thông báo tăng lãi suất ngày 9/6/2022 của ECB bằng việc giá cả lao dốc. Đó là cú sốc dễ dàng dự đoán đối với những người nghiện thị trường trái phiếu - những kẻ đã săn lùng tiền ngân hàng trung ương giá rẻ trong hơn một thập kỷ.

Dưới chính sách tiền tệ bất chấp của ECB để cứu đồng euro, ước tính khoảng 4,4 nghìn tỷ euro (4,6 nghìn tỷ USD) đã được bơm vào việc ổn định lợi suất trái phiếu của các quốc gia mắc nợ nhiều ở phía nam của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Con số này mới được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu ZEW ở Mannheim (Đức) công bố gần đây. ZEW đã chỉ ra rằng phần lớn các giao dịch mua tài sản của ECB kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010 là trái phiếu của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.

ECB trong thế khó  

 Những điều từng giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu thoát khỏi cảnh chìm trong nợ nần đang trở thành nguyên nhân gây lạm phát gia tăng và khiến ECB rơi vào tình thế khó xử. Lãi suất cao hơn có thể kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời, chúng đe dọa sự khởi sắc ở nhiều nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ mới bắt đầu sau thời kỳ suy thoái do COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, lãi suất cao hơn sẽ là gánh nặng cho các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn đang mắc nợ, như Hy Lạp và Ý, khiến chi phí tái cấp vốn cho các khoản nợ của họ trở nên đắt đỏ hơn. Trong thời kỳ lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm, cuộc sống là thiên đường; các nhà đầu tư thậm chí còn trả thêm tiền cho họ vì chính các khoản nợ này. Điều tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp mắc nợ cao, hay còn gọi là các công ty xác sống, hiện đang có vẻ không thể tồn tại trong điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Điều này là cần thiết cho cả ECB và khu vực đồng tiền chung châu Âu quay trở lại tình trạng ổn định tài chính cũng như lành mạnh hóa các quy tắc nợ của EU.

Các gói kích thích khác của EU là không cần thiết vì gói cuối cùng được đưa ra vào thời kỳ cao điểm của đại dịch thậm chí chưa được sử dụng hết. Và nếu có một điều chắc chắn để nói vào những ngày này thì đó là: Nhiều tiền công hơn sẽ chỉ  khiến lạm phát cao hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thay đổi chính sách tiền tệ của châu Âu: Quá ít và quá muộn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO