Thị trường

Tài chính – Tiền tệ, tuần: 15 – 19/5: Lãi suất huy động giảm rõ rệt

Ngô Hải 22/05/2023 - 09:25

Lãi suất huy động giảm rõ rệt, tỷ giá trung tâm tăng hầu hết các phiên, chứng khoán tăng giảm đan xen, nhiều khả năng FED sẽ không tăng lãi suất chính sách nhiều như dự kiến… là nhưng thông tin kinh tế - tài chính đáng chú ý trong tuần qua.

Tổng quan:

Lãi suất huy động giảm rõ rệt, tạo tiền đề cho các TCTD giảm lãi suất tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, thị trường kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Từ đầu quý II/2023, lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rõ rệt, ban đầu là nhóm NHTM cổ phần và gần đây, nhóm NHTM nhà nước cũng giảm từ 0,2 - 0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn.

Hiện tại, mức lãi suất trên 9%/năm tại các ngân hàng đã không còn nữa; với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trên thị trường phổ biến ở mức 7 - 8,5%/năm.

Ở nhóm NHTM nhà nước, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng còn 5,1%/năm, 6-9 tháng còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.

Tương tự, Agribank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm,... Mức lãi suất 8,2%/năm khi gửi online với kỳ hạn 12 tháng cũng đã biến mất.

Ở nhóm NHTM cổ phần, hàng loạt ngân hàng cũng nhập "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Biểu lãi suất niêm yết mới nhất của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm về 7,2%/năm.

TPBank cũng giảm đến 0,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 7,8%/năm dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.

Trước đó, một loạt ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động như HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank, MSB, …

Cuộc đua lãi suất huy động cao thực tế đã chững lại từ cuối quý I/2023, sau các động thái hạ lãi suất điều hành trong tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua của NHNN.

Ngoài ra, việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động phần nào cho thấy thị trường đang dư thừa thanh khoản. Từ cuối năm 2022 đến khoảng quý I/2023, các ngân hàng huy động vốn nhiều, nhưng không cho vay ra được tương ứng.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của hệ thống TCTD tháng 4/2023, NHNN cho biết, tín dụng tăng thấp do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57%, khoảng gần 1/3 so với mức tăng 6,42% cùng kỳ năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, các động thái giảm lãi suất điều hành nói trên của NHNN (giảm từ 0,5 - 1%/năm) là bước đi cần thiết để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế là lạm phát đang giảm, thanh khoản trên thị trường dồi dào, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nay. Hầu hết các nhà phân tích thị trường đều thống nhất, NHNN có thể cân nhắc giảm thêm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tới dưới 6 tháng thêm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023 và xác suất cao là ngay đầu quý III/2023.

Theo đó, lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở - lãi suất đóng vai trò tham chiếu trên thị trường tiền tệ, cũng có khả năng giảm theo. Củng cố cho nhận định này, mới đây, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ rằng, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành. NHNN cũng đã chỉ đạo các NH đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ, ít nhất là từ 3-6 tháng. Do đó, có thể thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có khả năng cải thiện từ nửa cuối năm 2023 hoặc từ quý IV trở đi.

Tóm lược thị trường trong nước

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 15 - 19/5, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên.

Chốt ngày 19/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.680 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD 3 phiên đầu tuần, phiên ngày 18/5 điều chỉnh xuống 23.400 VND/USD.

Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.814 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng (LNH) tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần ngày 19/5, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.464 VND/USD, tiếp tục tăng nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch tăng – giảm nhẹ đan xen trong tuần qua. Chốt phiên 19/5, tỷ giá tự do giảm 05 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.410 VND/USD và 23.450 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 15 - 19/5, lãi suất VND LNH biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống qua hầu hết các phiên.

Chốt ngày 19/5, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: Qua đêm là 4,44% (-0,47 điểm % (đpt) so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần là 4,57% (-0,39 đpt); 2 tuần là 4,71% (-0,33 đpt); 1 tháng là 4,91% (-0,32 đpt).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần ngày 19/5, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: Qua đêm là 4,85% (-0,01 đpt); 1 tuần là 4,92% (+0,01 đpt); 2 tuần là 5,0% (-0,01 đpt) và 1 tháng là 5,18% (+0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 15 - 19/5, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng đều với lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 7.103,55 tỷ đồng đáo hạn.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.

Như vậy, NHNN bơm ròng 12.896,45 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại giảm xuống mức 1.687,71 tỷ đồng, tín phiếu NHNN giảm xuống mức 90.699,8 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 17/5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động 5.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), khối lượng trúng thầu là 4.750 tỷ đồng, đạt 83%.

Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm đều huy động được toàn bộ lượng chào thầu, lần lượt ở mức 2.250 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn tại 5 năm là 2,45% (-0,04 đpt so với lần trúng thầu trước); 10 năm là 2,95% (-0,05 đpt); và 15 năm là 3,05% (-0,05 đpt).

Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này: Ngày 24/5, KBNN dự định gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm cùng gọi 1.500 tỷ đồng và kỳ hạn 20 năm gọi 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.003 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 6.108 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Trong tuần qua, lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 19/5, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,46% (-0,2 đpt); 2 năm 2,46% (-0,25 đpt); 3 năm 2,47% (-0,28 đpt); 5 năm 2,43% (-0,28đpt); 7 năm 2,7% (-0,23 đpt); 10 năm 3,01% (-0,28 đpt); 15 năm 3,12% (-0,3 đpt); 30 năm 3,61% (-0,25 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 15 - 19/5, thị trường chứng khoán không xác định rõ xu hướng, biến động tăng – giảm đan xen.

Chốt ngày 19/5, VN-Index đứng ở mức 1.067,07, nhích nhẹ 0,17 điểm (+0,02%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 1,19 điểm (-0,55%) về mức 213,91 điểm; UPCom-Index tăng 1,03 điểm (+1,29%) đạt 81,08 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 14.200 tỷ đồng/phiên so với mức 12.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng hơn 114 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                

Tin quốc tế

Tuần qua, ông Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có phát biểu quan trọng về chính sách tiền tệ (CSTT).

Trong bài phát biểu về CSTT tại Washington ngày 19/6, ông Powell cho biết các công cụ ổn định tài chính đã giúp làm dịu các áp lực trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, các vấn đề đã xuất hiện vẫn khiến cho điều kiện tín dụng bị thắt chặt và có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế, việc làm và lạm phát.

Do đó, ông Powell nhận định lãi suất chính sách (LSCS) có thể không cần phải tăng nhiều như dự kiến để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự thiếu chắc chắn về kết luận này. Hiện tại, lạm phát vẫn quá cao và FED vẫn quyết tâm ưu tiên đạt được lạm phát mục tiêu.

Sau bài phát biểu trên, công cụ dự báo của CME cho thấy có 83% khả năng FED sẽ không thay đổi LSCS ở mức 5,0% - 5,25% và 17% khả năng tăng nhẹ 25 điểm cơ bản (đcb), thay đổi tương đối nhiều so với tỷ lệ 65% - 35% như trước cuộc họp.

Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) dự báo triển vọng kinh tế năm 2023, bên cạnh đó khu vực này cũng ghi nhận các chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong cuộc họp ngày 15/5, EC dự báo khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2023 và tăng 1,6% trong năm 2024, cùng cải thiện so với mức 0,9% và 1,5% đưa ra hồi cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng dự báo lạm phát tại Eurozone ở mức 5,8% trong năm nay, cao hơn so với mức 5,6% theo dự báo cũ, sẽ tiếp tục hạ nhiệt xuống còn 2,8% trong năm 2024. Liên quan đến chỉ báo kinh tế, GDP Eurozone tăng nhẹ 0,1% q/q trong quý đầu năm, bằng với mức tăng của quý trước đó và khớp với kỳ vọng.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone chính thức tăng 7,0% và 5,6% y/y trong tháng 4, không có sự điều chỉnh so với thống kê sơ bộ. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Eurozone giảm mạnh 4,1% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 2,5% theo dự báo.

Cuối cùng, niềm tin kinh tế tại Eurozone do ZEW khảo sát được ở mức -9,4 điểm trong tháng 5, giảm mạnh từ mức 6,4 điểm của tháng trước đó, đồng thời xuống sâu hơn nhiều so với mức -1,0 điểm theo dự báo.

Tỷ giá ngày 19/05:

-     USD = 0.926 EUR (-0.31% d/d); EUR = 1.080 USD (0.31% d/d)

-     USD = 0.804 GBP (-0.29% d/d); GBP = 1.244 USD (0.29% d/d)

-     GBP = 1.152 EUR (-0.02% d/d); EUR = 0.868 GBP (0.02% d/d)

Nguồn: MSB Research

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính – Tiền tệ, tuần: 15 – 19/5: Lãi suất huy động giảm rõ rệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO