Tái cơ cấu kinh tế phải theo hướng xanh hơn, số hóa và tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo

Lan Nguyễn| 13/10/2021 16:02
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cầu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tái cơ cấu kinh tế lần này không phải là phục hồi lại như cũ mà phải theo cái hướng xanh hơn, số hóa, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo ra. Do đó, cần phải có quyết tâm và giải pháp tổng thể và phù hợp, giải quyết dứt điểm và thực chất những vấn đề còn tồn tại".

 Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, tại phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức chiều ngày 12/10 , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.

Kết quả thực hiện góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng Chính phủ cũng thừa nhận vẫn còn đó một số hạn chế, yếu kém như: cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch; hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA; còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; nợ đọng thuế còn cao; việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát; mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn…

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh…

Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Kế hoạch đã bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Kế hoạch cũng đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như: cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước.

Về mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch COVID-19 dẫn tới khó khả thi và nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp; bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo đồng thời tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ an sinh xã hội tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo đồng thời tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, cho rằng các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra được chuẩn bị với chất lượng khá tốt, đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, xem xét; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát hạn chế, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch, làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, và giải pháp đột phá cho việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mới, phát sinh đang đặt ra; lưu ý việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình trong Kế hoạch cần phải logic, khả thi, bảo đảm tính bền vững.

Đánh giá cao các nỗ lực, cố gắng trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt được, trong đó có 7/22 chỉ tiêu chủ yếu là đạt được kết quả khá toàn diện và nhiều dấu ấn tích cực. Cụ thể: nền tảng vĩ mô được ổn định, cơ cấu lại nợ xấu, nợ công đạt kết quả nổi bật, tín nhiệm quốc gia tăng, chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế có cải thiện rõ rệt, năng suất lao động tăng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch rất tích cực và đúng hướng… cùng với đó là quyết liệt trong việc cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, soát các vấn đề điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là những nội dung cần được nhấn mạnh hơn trong báo cáo.

Trong giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý không thể chủ quan, không được để lỡ nhịp đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế và tăng tính tự chủ của nền kinh tế; đồng thời, cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường nhất là thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động; tập trung cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, phân bổ và giải ngân đầu tư công, quản trị dự án đầu tư, giải quyết dự án treo, dự án chậm tiến độ, gắn với quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tái cơ cấu kinh tế lần này không phải là phục hồi lại như cũ mà nphải theo cái hướng xanh hơn, số hóa, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo ra. Do đó, cần phải có quyết tâm và giải pháp tổng thể và phù hợp, giải quyết dứt điểm và thực chất những vấn đề còn tồn tại.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện kế hoạch để cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn; lưu ý, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần rõ nét hơn trọng tâm các ngành, lĩnh vực cụ thể cần cơ cấu lại, tập trung vào các giải pháp thực hiện gắn liền với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu kinh tế phải theo hướng xanh hơn, số hóa và tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO