Tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử

T.H| 10/03/2022 18:04
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 9/3/2022, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin mạng do ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Bộ Công thương

Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện của các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã chuẩn bị rất đầy đủ, chi tiết Báo cáo của Bộ về tình hình xây dựng, cũng như thực trạng thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, phòng chống gian lận thương mại; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực trạng thực thi pháp luật, thực trạng phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan từ trung ương đến địa phương trong các lĩnh vực Bộ quản lý.

Đồng thời, trong Báo cáo cũng đã tóm tắt các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, đàm phán, gia nhập và ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến nội dung giám sát. Từ thực trạng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, Bộ Công Thương đã phân tích về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, từ đó nêu rõ các kiến nghị, đề xuất cụ thể cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan.

Về những lĩnh vực cụ thể có liên quan đến nội dung buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trong thời gian gần đây là vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu trên mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, giao dịch điện tử, về công nghệ số, chuyển đổi số… là cần thiết, nhưng cần thận trọng để tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện có, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành.

Hiện tại, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương xác định một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về thương mại điện tử, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về thương mại điện tử ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, lĩnh vực kinh tế số có phạm vi mang tính chất bao trùm các hoạt động kinh tế liên quan đến rất nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật thông tin và truyền thông, công an, thuế, ngân hàng... Vì vậy, Bộ Công Thương cần có nghiên cứu, đề xuất cụ thể phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ phù hợp trong mối tương quan với các Bộ, ngành khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO