Khẩu vị của dòng tiền ngắn hạn giai đoạn vừa qua không hướng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên khi cần xem xét đến khả năng tạo đáy của thị trường, ngân hàng sẽ là nhóm có ảnh hưởng lớn.
Cổ phiếu ngân hàng giữ giá khá tốt, có mã đã trở lại xu hướng xu hướng tăng ngắn hạn
VN-Index đã đi qua 3 tuần giảm liên tiếp sau khi thiết lập mô hình "2 đỉnh" tại vùng 1.250 điểm. Dù các phiên gần đây đã xuất hiện các nỗ lực cân bằng quanh vùng 1.150 điểm nhưng nỗi lo sợ về mô hình "2 đỉnh" tương tự giai đoạn tháng 6-8/2022 đang hiện hữu.
Đã có những quan điểm và những khuyến nghị từ các nhà môi giới nên "hồi là bán" trong khi đó cũng có những quan điểm cho rằng thị trường hiện đã xác nhận đáy ngắn hạn.
Tranh cãi có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi việc "đoán đáy" của thị trường luôn là nhiệm vụ bất khả thi kể cả với những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nhất. Thay vào đó, việc theo dõi và quan sát vận động của nhóm cổ phiếu "trụ" sẽ cung cấp những tín hiệu đáng tin cậy hơn về xu hướng thị trường.
Theo thống kê, các cổ phiếu "tội đồ" chính của thị trường chung là VIC và VHM là tác nhân lớn nhất khiến thị trường giảm điểm. VHM đã trượt khỏi đường xu hướng ngắn hạn MA20 tới 12,1% còn VHM cũng trượt khỏi MA20 với biên độ 8,3%. Ngoài ra, một số mã như GVR và SAB cũng tạo ra rất nhiều áp lực trong giai đoạn vừa qua.
Điểm đáng chú ý của đợt giảm mạnh này của thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng lại giữ giá khá tốt thay vì bị bán tháo hàng loạt cùng thị trường chung. Thống kê sau phiên giao dịch ngày 2/10, một loạt cổ phiếu ngân hàng trong VN30 như STB, BID, ACB, MBB, TCB, VCB, HDB trượt khỏi xu hướng ngắn hạn chưa đến 5% trong đó VPB thậm chí còn quay lại ngay xu hướng tăng ngắn hạn.
Những mã thiệt hại sâu nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng lại không nằm trong VN30 và không có quy mô vốn hóa có sức ảnh hưởng là EIB và LPB với chênh lệch so với MA20 đang là 11,4% và 9,5%.
Điều này cho thấy, tâm lý của nhóm cổ phiếu "vua" thực tế không quá tiêu cực như nhiều nhóm cổ phiếu đang thể hiện trên thị trường. Dù khẩu vị dòng tiền trong giai đoạn vừa qua không có sự mặn mà với cổ phiếu ngân hàng nhưng khi xuất hiện những yếu tố bất lợi, nhà đầu tư cũng chưa tháo chạy khỏi nhóm này như giai đoạn tháng 9 năm ngoái.
Nếu như cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện sức chống chịu hoặc xuất hiện thêm những mã như VPB, sự điều chỉnh trên thị trường sẽ sớm kết thúc. Khi đó ngoài cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu lớn đã rơi vào trạng thái quá bán như VHM, VIC, GVR, SAB có thể sẽ tận dụng sức bật giúp sức cho thị trường chung.
Tăng trưởng tín dụng và phần thưởng cho những "hiệp sĩ" tham gia xử lý ngân hàng yếu kém
Thông tin về tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng đạt 5,73% đang ít nhiều gây ra lo lắng về triển vọng của tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Mức tăng trưởng cùng thời điểm năm trước là 10,54%.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong nhóm 27 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng trên trung bình ngành. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VPBankS, cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt khoảng 4,73% nhưng ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn nhất là BID với 1.638.292 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 6,7%.
Một số ngân hàng còn được xem là "ngôi sao" tăng trưởng như MSB với +12,7%, MBB với +10,6%, VPB với +10,1%, và TCB với +9,7%.
Vì vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, giúp ngân hàng linh hoạt trong sử dụng hạn mức tín dụng đặc biệt là nhóm tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém).
Trong năm ngoái, 4 ngân hàng VPBank, HDBank, Vietcombank và MBBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được "thưởng" thêm hạn mức tín dụng. Cụ thể, VPBank đã được nhận thêm 11,5% room tín dụng, MBBank nhận thêm 5%, HDB nhận thêm 5,1%, VCB nhận thêm 0,9%.
Với việc sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, hạn mức bổ sung cuối năm sẽ tùy thuộc vào tính toán của NHNN. Tuy nhiên, với việc Thủ tướng đã yêu cầu phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6%, tương đương với GDP quý IV phải tăng trưởng 10,6% thì kịch bản bổ sung thêm room tín dụng vẫn còn ở phía trước. Cũng cần cần lưu ý rằng cả 4 cổ phiếu của 4 ngân hàng kể trên đều giảm không nhiều trong đợt bán tháo vừa qua.