Thảo luận về xu hướng thẻ mới, thanh toán mới nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo an toàn, minh bạch cần tiện dụng, dễ dùng và có lợi ích về kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và Xu hướng thanh toán tương lai" do Báo Tiền Phong phối hợp với Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức vào sáng ngày 26/9, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, và trong đời sống hằng ngày.
"Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Thị trường thẻ phát triển với tốc độ nhanh chóng
Chia sẻ về tiện ích của thẻ ATM tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, thẻ ATM không chỉ giúp chủ thẻ quản lý được tiền, không đem theo một lượng tiền lớn để thanh toán hàng hóa dịch vụ, tiết kiệm được tiền,... mà còn giúp họ tiết kiệm chi tiêu khi các ngân hàng phát hành thẻ phối hợp với những đơn vị bán hàng giảm giá hàng hóa cho khách hàng sử dụng thẻ.
Quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Bên cạnh sự phát triển đó, các ngân hàng Việt Nam cũng không ngừng quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng sử dụng thẻ. Đến nay, 100% thẻ tại Việt Nam đã được phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip chuẩn EMV, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thẻ.
Với những tiện ích đó, thị trường thẻ Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).
Về mặt giá trị, giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh, cụ thể: Đến ngày 31/12/2021, giao dịch toàn hệ thống thẻ đạt gần 1,6 tỷ món, tương đương 4,44 triệu tỷ đồng; đến ngày 31/12/2022, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 2,2 tỷ món, tương đương 4,86 triệu tỷ đồng (tăng lần lượt 39,12% về số lượng và 9,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức thẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Đến tháng 7/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa.
Các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo, nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Nỗ lực này của các tổ chức tín dụng nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển rất nhiều hình thức, trong đó có hình thức thẻ. Vấn đề phát triển thẻ cần đảm bảo sự an toàn, tiện ích kết hợp làm sao người dân trong nước có thể sử dụng thẻ quốc tế. Hiện nay một số trường đại học kết hợp với ngân hàng thanh toán tiền học phí thông qua thẻ nội địa. Đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Master nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.
Về góc độ chính sách, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị: “Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển”.
Khẳng định đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là thói quen tiêu dùng của người dân, bà Phan Thị Thanh Hà, quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho rằng, xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến đã trở nên quen thuộc và thịnh hành, thay thế dần các phương thức thanh toán truyền thống.
Trong suốt những năm qua, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với quy mô, nhu cầu, đặc điểm, khả năng tiếp cận của đối tượng khách hàng khu vực nông thôn, qua đó, đã đạt được kết quả tích cực góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ thanh toán thuận tiện, văn minh, hiện đại của ngân hàng góp phần cho người dân ở mọi miền Tổ quốc có một cuộc sống đơn giản hơn, dễ dàng hơn.
Đặc biệt Agribank luôn tích cực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ, chức năng tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM bằng mã VietQR,...
Nói về xu hướng phát triển phương thức thanh toán, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để cung cấp cho thị trường các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, sáng tạo, an toàn, gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Khách hàng chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể thanh toán mọi giao dịch thẻ trên máy POS. NAPAS dự kiến sẽ thử nghiệm dịch vụ Tap to pay vào cuối năm 2023 và chính thức ra mắt dịch vụ vào năm 2024.
Về vấn đề này, bà Winnie Wong - Giám đốc vùng của Masercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ, người tiêu dùng Việt Nam đón nhận tích cực tài chính số. Có 94% người tiêu dùng tăng cường sử dụng ít nhất 1 thanh toán số trong năm qua. Cũng trong năm qua, có 54% người dân đã dùng mã QR để thanh toán, 76% người dân đã dùng công nghệ xác thực bằng sinh trắc học cho ít nhất 1 thanh toán; 89% người dân người dân liên kết tài khoản ngân hàng với các nền tảng khác để thanh toán hóa đơn.
"Người tiêu dùng trông đợi nền tảng tài chính an toàn, thông tin cá nhân đáp ứng nhu cầu và được trao quyền nhiều hơn. Tôi muốn nhấn mạnh về việc phải bảo vệ người dùng trong bối cảnh lừa đảo trên internet hiện nay. Tới cuối thập kỉ này, những sáng kiến đổi mới quan trọng sẽ định hình tương lai của thanh toán và thương mại, thay đổi cách thức trao đổi hàng hóa và dịch vụ, mang lại những trải nghiệm thông minh hơn", bà Winnie Wong nói.
Khẳng định phát triển phải đi đôi với bền vững, bà Winnie Wong cho rằng, chúng ta phải làm sao để đưa hệ sinh thái số bền vững, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có một cam kết thống nhất từ tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ, các ngân hàng, công ty Fintech và nhà cung cấp công nghệ thanh toán như Mastercard cần hợp tác để thiết lập một hệ sinh thái thanh toán toàn diện. Từ đó, hướng tới xã hội không tiền mặt.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt. "Tôi có 2 chữ “tiện và lợi”, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật", ông Phạm Tiến Dũng nói thêm.