Doanh nghiệp

Thị trường phục hồi dưới kỳ vọng, các hãng bay tính toán lại kế hoạch khai thác

Hải Anh 09/11/2023 - 16:30

Việc thị trường hàng không quốc tế phục hồi chưa đạt kỳ vọng, cộng với nhu cầu đi lại trong nước “hạ nhiệt” so với năm 2022, buộc nhiều hãng bay phải tính toán lại phương án khai thác trong giai đoạn cuối năm.

“Mỏ vàng” Đông Bắc Á chậm phục hồi

9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 9 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn thấp hơn 31% so năm 2019 trước đại dịch. Trong đó, những thị trường khách quan trọng nhất chưa hồi phục hoàn toàn.

Cụ thể, thị trường Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 28,2%, đạt 1,1 triệu lượt khách. Đây từng là thị trường chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tương tự, các thị trường trọng điểm khác như Hàn Quốc mới phục hồi khoảng 82,3%, Nhật Bản khoảng 60%...

Cần phải nói thêm rằng, các thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, từng là “mỏ vàng” lợi nhuận của nhiều hãng hàng không Việt.

cac-hang-bay-viet-nam.jpg
Thị trường phục hồi dưới kỳ vọng, các hãng bay tính toán lại kế hoạch khai thác.

“Việc nhóm thị trường trọng điểm gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng đã khiến các hãng hàng không Việt Nam mất đi một lượng lớn hành khách, doanh thu và lợi nhuận”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia du lịch cho rằng, các nước trong khu vực cũng đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng và tỷ giá đồng bản tệ giảm mạnh, dẫn đến người dân thắt chặt chi tiêu và giảm hẳn nhu cầu đi lại.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Công ty tư vấn Morning Consult cho thấy, hơn 35% người Nhật không có ý định đi du lịch năm 2023. Đặc biệt, ở thị trường châu Âu, cuộc chiến tranh chưa thấy triển vọng kết thúc ở Ukraine, tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp và căng thẳng xã hội ở nhiều nước làm cho lượng khách du lịch ra nước ngoài, bao gồm đi Việt Nam, phục rồi rất chậm.

Hàng không gặp khó

Tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế chậm buộc các hãng phải đổ tải cung ứng vào thị trường nội địa, trong khi sức mua nội địa giảm so với cùng kỳ các năm.

Tình trạng dư thừa tải cung ứng thấy rõ trong 5 tháng cuối năm, khi tải cung ứng tổng thị trường tăng 15,2% so với năm 2019, nhưng khách tổng thị trường chỉ dự báo tăng 7,5%. Điều này đang tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng hàng không.

Để ứng phó, nhiều hãng hàng không đang tính toán lại phương án khai thác để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tạm thời làm suy kiệt sức khoẻ tài chính trong dài hạn. Có thể nói, ở các mức độ khác nhau, các hãng hàng không Việt Nam đều đang thực hiện tái cấu trúc, trong đó tái cấy trúc hãng hãng không Bamboo Airways có thể cho là toàn diện, sâu rộng nhất.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bamboo Airways loại bỏ toàn bộ các máy bay thân rộng bay đường dài đi châu Âu, Úc, ngừng bay tất cả các đường bay quốc tế thường lệ khu vực.

Còn tại thị trường nội địa, Bamboo Airways cho biết, hãng tập trung khai thác các đường bay trục kết các nối trung tâm lớn, bao gồm: Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng; các đường bay nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới, Quy Nhơn, Cam Ranh, Đà Lạt, Thanh Hóa, Côn Đảo… Động thái Bamboo Airways ngừng khai thác các đường bay đến Phú Quốc cho thấy, hãng bay này lo ngại về tình hình phát triển du lịch ở Phú Quốc – điều được nói tới nhiều trong thời gian gần đây.

Tương tự, từng mở rộng đường bay trong nước và quốc tế với 6 máy bay, Vietravel Airlines thu hẹp đội bay xuống còn 3 máy bay, kèm với đó là giảm quy mô mạng bay và tần suất khai thác các đường bay hiện có. Số máy bay hoạt động thực tế của Pacific Airlines đã giảm từ 10 máy bay xuống chỉ còn 6 - 8 chiếc, kéo theo đó là hoạt động khai thác của hãng này cũng bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch năm 2023 của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số lượng máy bay của các hãng là 230 chiếc vào các tháng đầu năm và cuối năm lên 250 chiếc. Tuy nhiên, đến nay số máy bay đã không như ban đầu mà còn sụt giảm. Dữ liệu thống kê máy bay từ trang Planespotter, hiện tại các hãng hàng không nội địa đang khai thác khoảng 204 chiếc. Số lượng máy bay có thể thay đổi liên tục do thời gian thuê, trả máy bay...

Thị trường quyết định

Cần phải nói thêm rằng, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ, yếu tố thị trường và mùa vụ quyết định khá lớn đến quá trình hoạt động của các hãng. Giai đoạn cao điểm như Hè, Tết Dương lịch, tết Nguyên đán và Lễ 30/4 -1/5, nhu cầu đi lại tăng đột biến khiến các hãng liên tục lên kế hoạch tăng tải cung ứng, trong khi vào mùa thấp điểm, các hãng sẽ có xu hướng thu hẹp lượng tải, nhằm đảm bảo cân bằng chi phí vận hành và lợi nhuận. Quá trình này hoàn toàn là đặc trưng của ngành vận tải hàng không nói chung.

Đây cũng được coi là một vài nguyên nhân gây nên tình trạng các chuyến bay nội địa bị hủy chuyến, hoãn chuyến... trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng tạm thời đến lịch trình đi lại của hành khách.

Để giải quyết vấn đề này, với các hành khách bị ảnh hưởng, các hãng cam kết đảm bảo tối đa quyền và lợi ích chính đáng trong mọi trường hợp, bao gồm đổi lịch bay miễn phí hoặc hoàn lại tiền vé cho khách bay.

“Trong mọi giai đoạn, kể cả khi đang tiến hành tái cấu trúc ở mức độ rất sâu, rộng hiện nay, trải nghiệm và quyền lợi của khách hàng vẫn luôn được chúng tôi đặt lên ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực để đảm bảo chỉ số đúng giờ cao cùng sự an toàn tuyệt đối của các chuyến bay. Đồng thời, Bamboo Airways cam kết luôn duy trì dịch vụ hàng không tận tâm và hiếu khách để thay lời tri ân tới tình cảm và sự ủng hộ xuyên suốt của khách hàng dành cho Bamboo Airways trong suốt thời gian qua”, đại diện Bamboo Airways cho biết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường phục hồi dưới kỳ vọng, các hãng bay tính toán lại kế hoạch khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO