Vấn đề - Nhận định

Thị trường tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 và những vấn đề đặt ra

TS. Nguyễn Đại Lai 26/05/2024 06:43

Nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế những tháng đầu năm 2024 vẫn còn tương đối yếu, dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng khó khăn ở các ngân hàng.

Những vấn đề đặt ra với thị trường tín dụng trong những tháng đầu năm 2024

Bước sang năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp room tín dụng một lần cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm phấn đấu đạt 15%, cao hơn so với mức mục tiêu của năm 2023. Lãi suất cho vay của các ngân hàng duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế những tháng đầu năm 2024 vẫn còn tương đối yếu, dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng khó khăn ở các ngân hàng.

Sự phân hóa thị trường tín dụng giữa các TCTD trong quí I/2024 dẫn đến bức tranh tín dụng rất khác nhau giữa các TCTD. Tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn Nhà nước chi phối: BIDV tăng trưởng thấp, Vietcombank thậm chí tăng trưởng âm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng tại VietinBank đạt 3,7% so với thời điểm ngày 31/12/2023 nhờ chiến lược cấp vốn bám sát chiến lược phát triển kinh doanh của khách hàng cũ và mới.

Ở nhóm NHTM cổ phần, nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp là nhóm có mức tăng trưởng khả quan nhất. LPBank và OCB là hai ngân hàng có mức tăng trưởng tích lũy tốt hơn so với quý I/2023. Tính đến cuối quý I/2024, dư nợ cho vay của LPBank đạt 308.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 11,7% so với cuối quý IV/2023. Các ngân hàng có khách hàng doanh nghiệp có đất phát triển như HDBank và Techcombank cho thấy mức tăng trưởng tích lũy đạt ở mức khá cao, lần lượt là 5,8% và 7,8%. Các ngân hàng này đã bám sát các cơ hội thành công từ chính các khách hàng doanh nghiệp nhờ vào việc linh hoạt thay đổi sản phẩm và dịch vụ.

ACB và Sacombank đã duy trì được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với quý I/2023, chủ yếu do các ngân hàng này đã thực hiện các gói vay sản xuất - kinh doanh ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có đầu ra tốt. Cụ thể, Sacombank cung cấp gói tín dụng lên đến 40.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ dưới 6%/năm cho khách hàng có đầu ra tốt; trong khi từ đầu năm 2024, ACB tập trung phát triển tín dụng cho các doanh nghiệp FDI và gói ưu đãi cho vay các doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh với hạn mức 2.000 tỷ đồng và lãi suất thấp.

Ngược lại, mức tăng trưởng kém hơn ở một số NHTM cổ phần khác cho thấy mức độ thận trọng cao trong chiến lược tăng trưởng của các ngân hàng này do lo ngại về nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Các ngân hàng chuyên cho vay tiêu dùng như TPBank và VIB lại có mức tăng trưởng thấp hơn 1% do nhu cầu cá nhân vay mua nhà ở vẫn còn rất thấp ở thời điểm quý I/2024.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Như vậy, có thể thấy tốc độ tăng tín dụng thấp không do lãi suất, mà căn bản là do cầu tín dụng đầu năm còn thấp. Do yếu tố mùa vụ theo qui luật và đặc biệt là theo thực tiễn năng lực hấp thụ tín dụng chưa đồng bộ nên bức tranh tăng trưởng những tháng đầu năm 2024 về cơ bản còn yếu và phát triển không đều giữa các ngành, các vùng.

Mặt khác, với một nền kinh tế mở nên tất yếu kinh tế trong nước cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh những tháng đầu năm 2024 vẫn đã và đang diễn biến khó lường. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam đã làm suy yếu sức khỏe doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, khiến doanh nghiệp Việt Nam mất thị phần ngay trên sân nhà. Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp xuất nhập khẩu phụ thuộc đầu ra và đầu vào từ nước ngoài vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với các sự cố đứt mạch đường dây cung ứng bởi các cuộc xung đột địa chính trị ở nhiều vùng trên thế giới chưa giảm sức nóng. Sự tác động khách quan này đã khiến cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, thậm chí đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động....

Trong bối cảnh trên, kinh tế những tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển không đồng bộ và chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố và các vùng. Trong khi nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung phát triển yếu thì Hà Nội, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh phát triển khá, kéo theo tăng trưởng tín dụng khá. Hà Nội ước tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt gần 3,69 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 1,96% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.536 nghìn tỷ đồng, tăng 0,97% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cuổi năm 2023; tương ứng dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.152 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 1,9%.

Tại TP. Hồ Chí Minh sau 4 tháng đầu năm tín dụng trên địa bàn cũng duy trì xu hướng tăng trưởng khá. Theo đó, sau khi giảm vào tháng 1/2024, tín dụng đã tăng trưởng trở lại và duy trì tốc độ tăng trưởng dương liên tục vào các tháng sau đó. Cụ thể, tháng 2/2024 tín dụng tăng 0,01%; tháng 3/2024 tăng 1,9% và tháng 4/2024 tăng 0,35%, sau 4 tháng đầu năm tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 1,31% và tăng 9,33% so với cùng kỳ 2023.

Tại TP. Hồ Chí Minh, chính sách tín dụng và lãi suất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về chi phí tài chính và kích thích doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh trung dài hạn. Theo đó tín dụng trung dài hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng ngắn hạn, tăng 1,96% trong 4 tháng đầu năm, trong khi đó tín dụng ngắn hạn tăng 0,6%;

Tại Cần Thơ, tổng dư nợ tín dụng đạt 159.200 tỷ đồng, tăng 1,76% so với tháng 12/2023. Trong đó, dư nợ cho vay VND là 151.700 tỷ đồng, chiếm 95,29%, tỷ lệ tăng 2,11%; dư nợ cho vay ngoại tệ là 7.500 tỷ đồng, chiếm 4,71% tổng dư nợ cho vay, giảm 4,86% so với tháng 12/2023....

Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng bình quân cả nước mới chỉ tăng được 0,26% và đã tụt lại so với tốc độ 1,99% ở cùng kỳ năm trước sau quý I, cho thấy khá nhiều địa phương và ngành có mức tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng âm như Nam Định giảm tới 2,6%, Thái Bình giảm 1%, Hà Nam giảm khoảng 0,9% sau quý I/ 2024 so với cuối năm 2023…

Các giải pháp đề xuất

Từ những kết quả và phân tích nêu trên, xin đưa ra một số đề xuất giải pháp cụ thể như:

Các TCTD cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp khống chế rủi ro để giảm mặt bằng lãi suất cho vay bằng cách song hành với thực tiễn sử dụng vốn theo phương án vay và cấp tín dụng theo sức hấp thụ thực tế của khách hàng để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo phương án vay vốn.

Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024.

Các TCTD duy trì việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo 134/TB-VPCP ngày 2/4 2024.

TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh khí cho nền kinh tế và không ngừng hỗ trợ khách hàng người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn kịp thời, hiệu quả.

Ngành Ngân hàng tiếp tục cần đẩy mạnh chỉ đạo triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đối tượng thụ hưởng, với đặc thù của từng TCTD đối với các lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy các dòng tín dụng thị trường đi theo, tạo sinh thái sản xuất kinh doanh có động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các TCTD trong việc thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng là người dân, doanh nghiệp nội địa cũng như khu vực FDI trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chia sẻ, cùng phát triển bền vững, lâu dài và an toàn.

Chính phủ chỉ đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu việc xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội có thời hạn đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn cho vay thương mại thông thường và cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi hơn để các đối tượng có thu nhập thấp có cơ hội, động lực để mua nhà ở xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024.

Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

NHNN xem xét giảm quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo đó các NHTM cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trung dài hạn thông qua tăng cường phát hành giấy tờ có giá và đặc biệt là trái phiếu trung và dài hạn để tạo nguồn xử lý cho cân đối tỷ lệ này. Có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 và những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO