Thị trường vốn cần kết nối để tạo nên sức mạnh

Bùi Trang| 30/03/2021 14:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng nay (30/3), tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những đánh giá của mình về 20 năm phát triển thị trường vốn vừa qua, đồng thời gợi mở những giải pháp, tầm nhìn cho kỷ nguyên mới.

 

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Dương Hiền - Chủ tịch Tập đoàn Hapaco - cho biết Hapaco là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện thí điểm cổ phần hóa vào năm 1999. Tiếp đó, khi thị trường chứng khoán ra đời, Hapaco tiếp tục tiên phong đưa cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh).

Nhìn nhận thành quả thu hoạch được từ việc tham gia thị trường chứng khoán, theo ông Vũ Dương Hiền là cơ hội đa dạng các kênh huy động vốn, tranh thủ nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng, Hapaco huy động được 32 tỷ đồng, thặng dư vốn tăng trưởng 320% tạo điều kiện xây dựng nhà máy giấy Kraft, tạo ra bước đột phát trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, gia tăng lợi nhuận, tạo thêm nhiều việc làm mới.

Lần phát hành thứ hai, tập đoàn huy động được trên 100 tỷ đồng và cho ra đời Bệnh viện Quốc tế Green. Hiện tại bệnh viện đã hoạt động, khai thác vượt công suất thiết kế 21,35%.

Từ Công ty Giấy Hải Phòng nhỏ bé năm nào, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 10,8 tỷ đồng, đến nay Hapaco đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa. Hàng năm, Hapaco đạt mức tăng trưởng trên 20%, trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 6 công ty thành viên, 2 công ty liên doanh hoạt động đa ngành: công nghiệp; tài chính; chứng khoán; bất động sản; thương mại dịch vụ và bệnh viện…

Trường hợp của Hapaco không phải là cá biệt, trên thị trường chứng khoán, trong 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội phát triển các dự án, tăng quy mô, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhìn nhận sự phát triển thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng, thị trường có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, bà Tạ Thanh Bình cũng nhận định còn cần nhiều nỗ lực đạt được những mục tiêu phát triển tới đây. Hiện nay, các tổ chức xếp hạng thị trường tiêu biểu vẫn đang xếp Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nhìn chung, theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần cải thiện như giới hạn sở hữu nước ngoài, mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền...

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.

TS. Nguyễn Tú Anh đưa ra khuyến cáo cần tập trung các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.

“Chúng ta cần đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) theo đánh giá của MSCI và FTSE. Đồng thời, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường” - TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn Việt Nam là rất lớn. Tính đến hết tháng 2/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.600 nghìn tỷ đồng (tương đương 89% GDP năm 2020) với 880 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, 909 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Upcom. Thị trường có khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn...

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ là 2 đột phá và tính minh bạch, chuyên nghiệp là kim chỉ nam cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường vốn cần kết nối để tạo nên sức mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO