Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật

Ngô Hải| 02/08/2022 14:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đối với hoạt động ngân hàng, trong đó nổi bật lên các vấn đề như: vụ chuyển tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài; tín dụng đen còn; cho vay trên tài sản bảo đảm có giá trị thiếu ổn định…

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin để phục vụ quá trình điều tra vụ án chuyển tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Văn bản của NHNN cho biết, các ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy được nêu tại phiếu chất vấn số 73/PCVK3-GS. Tại phiếu chất vấn này, Đại biểu Đặt câu hỏi: “Thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ, nhất là gần đây có vụ chuyển tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, cử tri rất quan tâm”.

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc NHNN khẳng định, thị trường ngoại tệ phi chính thức không được pháp luật thừa nhận, vì vậy mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật không được NHNN cấp phép. Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của thị trường phi chính thức cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, NHNN, Bộ Công Thương… và UBND các tỉnh, thành phố.

Theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối, người dân có ngoại tệ được bán cho các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoặc các tổ chức kinh tế được cấp phép làm đại lý đổi ngoại tệ; khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các TCTD được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ chứng minh mục đích sử dụng, đảm bảo giao dịch là hợp pháp, hợp lệ.

Trên thị trường ngoại tệ chính thức, những năm qua, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của cá nhân và tổ chức được các TCTD đáp ứng đầy đủ, thị trường hoạt động thông suốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế.​

Thống đốc cho biết, hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới hiện nay được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối; Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của NHNN, trong đó có các quy định để kiểm soát giao dịch thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài và trách nhiệm của TCTD, khách hàng khi thực hiện giao dịch.

Theo đó: (i) khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của TCTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ xuất trình; (ii) TCTD có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, TCTD có trách nhiệm báo cáo NHNN: số liệu chuyển tiền thông qua hệ thống báo cáo thống kê; các giao dịch có giá trị lớn; khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt mức giá trị theo quy định của NHNN (từ 1.000 Đô la Mỹ trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)…

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở kết quả phân tích, xử lý các thông tin nhận được từ các TCTD, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, NHNN thường xuyên thanh tra, kiểm tra và cảnh báo, yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp phòng ngừa sai phạm, đảm bảo các giao dịch chuyển tiền đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với NHNN xác minh, làm rõ các giao dịch đáng ngờ và có biện pháp phát hiện, phòng ngừa việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Từ năm 2016, NHNN đã ban hành 3 văn bản cảnh báo cho các TCTD liên quan đến việc tăng cường phối hợp ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thuế, trốn thuế, rửa tiền, trong đó có đề cập đến hành vi lợi dụng các hợp đồng ngoại thương để chuyển tiền qua biên giới.

Về vụ việc cụ thể mà Đại biểu (chuyển tiền trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài), Thống đốc NHNN cho biết, từ năm 2017, NHNN đã tiếp nhận các báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các TCTD liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt (Sinh năm 1985, ở quận Tây Hồ). Trên cơ sở phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, NHNN đã chuyển giao thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Quảng Ninh để phục vụ quá trình điều tra vụ án.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần hạn chế “tín dụng đen”

Đối với câu hỏi về “Thị trường ngầm, tín dụng đen còn bỏ ngỏ, chưa được quản lý hiệu quả, trong buổi đối thoại với Thủ tướng của công nhân lao động, công nhân phản ánh rất nhiều” được đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, theo Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công An được giao là đơn vị đầu mối trong tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Còn NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Do đó, với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp; điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”); triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;...

Cùng với đó là đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính; phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân; tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm, dịch vụ tài chính; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”…

Để góp phần hạn chế “tín dụng đen”, Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung:

(i) Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng;

(ii) Khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

(iii) Chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn;

(iv) Triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

(v) Triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả;

(vi) Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, các đối tượng chính sách;

(vii) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các CTTC tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật;

(viii) Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Giám sắt chặt tình hình cấp tín dụng cho khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu

Với câu hỏi chất vấn về “Tình trạng cho vay trên tài sản đảm bảo có giá trị thiếu ổn định, dễ bị chi phối do lũng đoạn chứng khoán thời gian qua như cổ phiếu, trái phiếu… dễ gây nợ xấu, chưa có những giải pháp hữu hiệu”, Thống đốc cho biết, về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật hiện hành, TCTD được cho vay có tài sản hoặc không có tài sản bảo đảm để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hệ thống ngân hàng.

Trước những biến động của thị trường chứng khoán, thời gian gần đây, NHNN đã yêu cầu các TCTD định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình cấp tín dụng cho khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu nhằm tăng cường giám sát đối với các khoản cấp tín dụng này, góp phần hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD giám sát chặt chẽ chất lượng các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bao gồm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...), tăng cường công tác thẩm định, thực hiện định giá tài sản bảo đảm là bất động sản, nhất là bất động sản tại các khu vực đang có hiện tượng sốt đất đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực, khách quan, minh bạch, đúng quy định pháp luật...

“NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng cho khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu để kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm pháp luật và có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD giám sát chặt chẽ tình hình khoản vay, thực hiện thẩm định/định giá tài sản bảo đảm sát với giá trị thực, đúng quy định pháp luật”, Thống đốc NHNN cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO