(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Toàn thể Thường niên lần thức 92 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ngày 25/6/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp xã giao Thống đốc NHTW Hàn Quốc Rhee Changyong và Thống đốc NHTW Hy Lạp Yannis Tournaras.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng hội đàm với Thống đốc NHTW Hàn Quốc Rhee Changyong |
Tại buổi tiếp ông Rhee Changyong, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chúc mừng ông Rhee Changyong được bổ nhiệm làm Thống đốc NHTW Hàn Quốc, hoan nghênh và khẳng định các hỗ trợ kỹ thuật và các dự án dành cho Việt Nam trong thời gian ông Rhee đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, điều hành chính sách của NHNN và các Bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam.
Thống đốc cho biết, quan hệ hợp tác giữa NHNN và NHTW Hàn Quốc không ngừng được củng cố, phát triển thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, đặc biệt là trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chia sẻ kiến thức (BOK-KPP) được hai bên xây dựng và triển khai từ năm 2016 đến nay. Các báo cáo tư vấn do hai bên cùng phối hợp xây dựng trong khuôn khổ chương trình là nguồn tài liệu tham khảo giá trị, phục vụ đắc lực cho công tác hoạch định và điều hành chính sách của NHNN.
Đánh giá cao các hỗ trợ của NHTW Hàn Quốc dành cho NHNN trong các lĩnh vực như điều hành chính sách tiền tệ, thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, phát triển hệ thống thanh toán… Thống đốc cho rằng, những hỗ trợ này đã góp phần cải thiện các khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực của cán bộ NHNN, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng trung ương của NHNN như hoạch định chính sách tiền tệ, giám sát hệ thống thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối...
Bên cạnh đó, hai Thống đốc cũng trao đổi về tình hình diễn biến tiền tệ, khu vực ngân hàng quốc gia và quốc tế trong bối cảnh lạm phát cao và những thách thức mà các NHTW đang gặp phải. Kết thúc buổi tiếp, hai Thống đốc nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trong đó có các chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, biệt phái cán bộ tại NHTW Hàn Quốc, và xử lý nợ xấu.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng hội đàm với Thống đốc NHTW Hy Lạp Stournaras |
Cùng ngày, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tiếp xã giao ông Yannis Stournaras, Thống đốc NHTW Hy Lạp. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Thống đốc cho biết Việt Nam đang trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn cho hoạt động ngân hàng. Trong quá trình cơ cấu lại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang tìm hiểu kinh nghiệm các nước để xây dựng khuôn khổ pháp luật xử lý nợ xấu nhằm luật hóa các hoạt động xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động bền vững và lành mạnh.
Thống đốc đánh giá cao việc NHTW Hy Lạp đã cung cấp câu trả lời chi tiết đối với các câu hỏi của NHNN liên quan đến khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu và mong muốn hai bên thiết lập quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hy Lạp trong xử lý nợ xấu, Thống đốc Stournaras cho biết, Hy Lạp đã từng là một trong những nước có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở châu Âu, đỉnh điểm lên tới 47,1% tháng 9/2016, là một trong những hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Năm 2015, Hy Lạp đã ban hành Luật chuyển nhượng nợ xấu, ban đầu để tạo ra thị trường thứ cấp chuyển nhượng các khoản nợ xấu nhưng sau đó đã được mở rộng để cho phép hoạt động mua lại và quyết toán nợ xấu.
Tháng 12/2019, Thượng viện Hy Lạp ban hành Luật 4649/2019, thường được gọi là Luật Hercules, theo đó xây dựng chương trình bảo lãnh chính phủ có tên là Chương trình bảo vệ tài sản Hercules nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu. “Hercules” có giá trị trong 18 tháng kể từ ngày công bố quyết định của Ủy ban Châu Âu (10/12/2019). Số tiền bảo lãnh tối đa mà Nhà nước Hy Lạp có thể cung cấp là 12 tỷ EUR. Chương trình có thể được gia hạn và các điều khoản của nó có thể được sửa đổi sau khi có quyết định liên quan của Ủy ban châu Âu.
Bên cạnh việc các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, nợ xấu theo Chương trình Hercules còn có thể được xử lý thông qua phương thức chứng khoán hóa. Theo đó các ngân hàng đóng gói các khoản nợ xấu, bán cho nhà đầu tư, qua đó giảm bớt gánh nặng xử lý nợ xấu cho các ngân hàng trong nước. Chương trình Hercules được đánh giá là thành công khi giúp giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu tại Hy Lạp. Tháng 3/2021, Chính phủ Hy Lạp quyết định gia hạn Chương trình Hercules thêm 30 tháng để giúp xử lý số nợ xấu còn lại.
Thống đốc Stournaras cho biết sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Hy Lạp, các nội dung cơ bản và cách thức vận hành Chương trình Hercules với NHNN và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề khác hai bên cùng quan tâm.