Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị

TS. Phùng Thanh Quang - ThS. Nguyễn Dung Hạnh 25/08/2024 07:05

Bài viết tập trung đánh giá thực trạng tài chính khí hậu trên thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.

Tóm tắt: Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 27), một trong những nội dung nổi bật được các nhà lãnh đạo toàn cầu trao đổi là tài chính khí hậu. Có thể khẳng định, tài chính là vấn đề then chốt, cần thiết trong thực hiện mọi mục tiêu phát triển, trong đó bao gồm đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết về khí hậu. Cũng tại COP 27, lần đầu tiên tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu mới chính thức được đưa vào một đề mục riêng trong nội dung đàm phán. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dẫn tới sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng có so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nền kinh tế toàn cầu đang tìm cách hạn chế khí thải và ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng tài chính khí hậu trên thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.

Từ khóa: Tài chính khí hậu, COP 26, COP 27, kinh tế các-bon thấp

PROMOTING CLIMATE FINANCE IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS

Abstract: Climate finance was one of the most prominent topics discussed by global leaders at The 2022 United Nations Climate Change Conference (also known as COP 27). There’s no denying that climate finance has been acting as a crucial driving force of economic development, of which one of its goals is the adequate progress on climate action toward mutual commitments. Losses and damages from climate change, for the first time, were officially one of the key contents in negotiations at COP 27. In the context of the Fourth Industrial Revolution, global warming at an unprecedented rate has been leading to a record high of global temperature and greenhouse gas emissions. As such, all economies are taking various actions to limit emissions and adapt to climate change impacts. This article aims to assess the current climate finance trend over the world and in Vietnam as well. The authors, on that basis, propose some recommendations to develop climate finance in Vietnam in order to achieve carbon neutrality by 2050 which is the ultimate target committed by Prime Minister Pham Minh Chinh at COP 26.

Keywords: climate finance, COP 26, COP 27, low carbon economy

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, tài chính khí hậu (climate finance) đã trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Tại Hội nghị COP 26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định chính phủ Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cũng tại COP 26 tại London, Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế các-bon thấp bằng cách ngừng xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đây là một sự khác biệt đáng kể so với các kế hoạch năng lượng hiện có và cũng là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để chuyển sang một cơ cấu năng lượng đa dạng hơn và ít sử dụng các-bon hơn. Hội nghị COP 27 tại Ai Cập đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới, trong đó có Việt Nam, cần khẩn thiết hành động trước thời điểm không thể thay đổi về khí hậu. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các cam kết tại COP 26 và COP 27. Trong bối cảnh đó, tài chính khí hậu có thể xem là chìa khóa tăng trưởng trong bối cảnh mới, là vấn đề then chốt trong mọi mục tiêu phát triển.

2. KHÁI NIỆM VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI

Tài chính khí hậu là một khái niệm rộng. Nói chung, tài chính khí hậu liên quan đến số tiền chi cho các hoạt động góp phần làm chậm biến đổi khí hậu hoặc/và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu. Tài chính khí hậu cũng nhằm xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia/khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (viết tắt là UNFCCC) thì: “Tài chính khí hậu là nguồn tài chính nhằm mục đích giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính, đồng thời nhằm mục đích giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, duy trì và tăng cường khả năng phục hồi của con người và các hệ sinh thái trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”. Như vậy, có thể thấy tài chính khí hậu thể hiện dòng vốn cho tất cả các hoạt động, chương trình hoặc dự án nhằm giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu: Cho cả giảm thiểu và thích ứng, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, ở mọi nơi trên thế giới. Theo quan điểm này, tài chính khí hậu bao gồm dòng tài chính chảy trực tiếp vào tài sản và bỏ qua hoạt động thị trường tài chính, nhằm tuân thủ nguyên tắc cốt lõi là tránh “tính hai lần”.

Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu và nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực kinh tế tư nhân. Trong khoảng 5 năm gần đây, nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, với một số xu hướng đáng chú ý sau:

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương quốc gia đẩy mạnh chuyển đổi danh mục sang đầu tư trái phiếu xanh. Tháng 1/2021, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) bắt đầu chuyển sang đầu tư trái phiếu xanh. Tháng 7/2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lập kế hoạch chuyển hướng danh mục trái phiếu doanh nghiệp sang trái phiếu xanh, đồng thời có lộ trình gia tăng mua tài sản tài chính là trái phiếu của các tổ chức phát hành có lượng phát thải khí nhà kính thấp. Tháng 11/2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã điều chỉnh chính sách đầu tư với mục tiêu dài hạn phát thải ròng bằng “0”, tương ứng với nhiệt độ tăng tối đa là 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thứ hai, thị trường chứng kiến sự tham gia của các tổ chức tài chính tư nhân. Các tổ chức tài chính tư nhân tích cực tham gia mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG) với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Liên minh Các tổ chức sở hữu tài sản không phát thải (NZAOA), được thành lập vào đầu năm 2019, bao gồm 84 nhà đầu tư tổ chức (có thể kể đến Allianz, Swiss Re, CalPERS, CDC, CDPQ, Folksam Group...) với tổng tài sản trị giá 10,6 nghìn tỷ USD là một tổ chức tiên phong trong mục tiêu giảm phát thải, hạn chế sự nóng lên của trái đất. Các mục tiêu trước mắt của NZAOA là giảm phát thải các-bon từ 22% đến 32% cho tới năm 2025 và giảm từ 40% - 60% cho tới năm 2030. Có mục tiêu hoạt động tương tự như NZAOA là Liên minh Sáng kiến Net-Zero Manager Initiative tập hợp hơn 315 quỹ đầu tư (như Blackrock, Macquarie, Mirova...) với tổng tài sản lên tới 61,3 tỷ USD. Trong những ngành, lĩnh vực cụ thể, trong khoảng 3 năm gần đây cũng đã hình thành những liên minh toàn cầu với mục tiêu chung là ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Có thể kể đến như Liên minh Ngân hàng Net Zero, thành lập vào tháng 4/2021, hiện có hơn 100 các ngân hàng đã tham gia ký kết (như JPMorgan Chase, BNP Paribas, Bank of America...); Liên minh bảo hiểm Net-Zero, thành lập vào tháng 7/2021, với hơn 20 thành viên (như AXA, Scor, Munich Re...); Liên minh tài chính Glasgow có tên gọi Glasgow Net Zero, được thành lập vào tháng 4/2021, là “một liên minh toàn cầu gồm các tổ chức tài chính hàng đầu cam kết đẩy nhanh quá trình khử cacbon của nền kinh tế”. Liên minh tài chính Glasgow hiện bao gồm hơn 160 công ty với quy mô hơn 70 nghìn tỷ USD tài sản, bao trùm và giám sát các liên minh kể trên.

Thứ ba, sự tham gia của các quỹ chuyên đề (thematic fund) vào thị trường tài chính khí hậu. Một quỹ chuyên đề được định nghĩa là một quỹ lựa chọn tài sản để đầu tư dựa trên một chủ đề xã hội (ví dụ: giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, quản lý nước, quản lý di cư, già hóa dân số), có thể bao trùm một số ngành công nghiệp, loại hình công ty và khu vực địa lý. Từ năm 2019 đến 2021, tài sản quản lý tại quỹ chuyên đề tăng gấp ba lần, lên 806 tỷ USD trên toàn thế giới, chủ yếu ở châu Âu (55%) và Hoa Kỳ (21%). Gần đây, một số quỹ chuyên đề đã tăng cường tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu như Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF), Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp (FCPF), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF/TF), quỹ năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng toàn cầu (GEEREF)....

3. KINH NGHIỆM THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI

Nhìn chung, đã có sự cải thiện đáng kể về nhận thức và hành động trên phạm vi toàn cầu về biến đổi khí hậu và tài chính khí hậu, đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức rất lớn về tài chính khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Theo báo cáo của Chính phủ Anh và Ai Cập tại COP 27, tổng nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm của các nước đang phát triển sẽ đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó 50% đến từ nguồn tài chính bên ngoài chủ yếu từ hỗ trợ của các nước phát triển, phần còn lại từ Chính phủ và các nguồn tư nhân. Tuy nhiên, tại Hội nghị COP 15 tại Copenhagen, Đan Mạch, các nước phát triển mới cam kết tài trợ 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Con số này chỉ đáp ứng 3% nhu cầu thực tế. Trong khi nguồn vốn huy động chưa đạt cam kết, việc giải ngân vốn huy động chỉ đạt khoảng 20%. Những con số trên đã chỉ rõ tài chính khí hậu hiện là thách thức rất lớn với các quốc gia đang phát triển, cũng là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Để huy động được nguồn tài chính đủ lớn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có những chương trình hành động và chiến lược phù hợp cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, với sự tham gia của chính phủ các nước và khu vực tư nhân.

Sau đây là một số bài học kinh nghiệm của chính phủ, định chế tài chính và quỹ chuyên đề trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một là, bài học từ Chương trình tài trợ xanh của chính phủ Kenya. Khởi động từ năm 2017, Chính phủ Kenya đã chuẩn bị những nền tảng đầu tiên của một chương trình tài trợ xanh với 4 mục tiêu: 1) an ninh lương thực; 2) nhà ở giá rẻ; 3) tăng năng lực sản xuất; và 4) giá cả phù hợp gắn với chăm sóc sức khỏe. Song song đó, Chính phủ Kenya cũng triển khai Chương trình trái phiếu Xanh (Green Bonds Program Kenya), với điểm đáng chú ý nhất của chương trình này là Chính phủ Kenya đã thông qua một số chính sách miễn trừ thuế quan trọng đối với tài trợ xanh. Chương trình tài trợ xanh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, năm 2019, Kenya Acorn Holding, một công ty xây dựng tư nhân đã huy động thành công được 4,3 tỷ KSH (khoảng 40 triệu USD) để xây dựng 50.000 căn hộ sinh viên ở Nairobi có tỷ lệ phát thải các bon thấp. Tất cả các ngôi nhà đều được trang bị các tấm pin mặt trời và máy nước nóng năng lượng mặt trời, cũng như thiết bị quản lý nước bền vững. Đây là khoản trái phiếu xanh đầu tiên của Kenya được chứng nhận bởi một cơ quan quốc tế, cụ thể là Tổ chức Trái phiếu khí hậu Anh Quốc (UK Climate Bonds Initiative). Các trái phiếu này có thời hạn 5 năm, lãi suất cố định là 12,25% cho 5 năm, và được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán London và Sở giao dịch chứng khoán Nairobi. Quỹ GuarantCo (thuộc sở hữu của FMO và PIDG, được tài trợ bởi chính phủ Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Úc và Hà Lan) đảm bảo 50% tiền gốc và lãi của trái phiếu xanh.

Hai là, bài học từ chuyển đổi danh mục đầu tư và cho vay nhằm hướng tới trung hòa các-bon của Ngân hàng ING, Hà Lan. Đây là ngân hàng đầu tiên trên thế giới cam kết mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cho danh mục tài sản đầu tư và cho vay. ING hiện tại có dư nợ cho vay khoảng hơn 500 tỷ Euro. ING đã lập một chiến lược kinh doanh mới vào năm 2018, dựa trên một số phương pháp khoa học khác nhau như PACTA (Paris Agreement Capital Transition Assessment - Đánh giá Chuyển đổi Vốn theo Thỏa thuận Paris) và SBTi SDA (Phương pháp tiếp cận khử cacbon theo ngành của SBTi (Science Based Targets initiative) - Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở khoa học). Các hoạt động danh mục đầu tư của ING được chia thành các lĩnh vực khác nhau (phát điện, nhiên liệu hóa thạch, ô tô, hàng không,…) và mỗi lĩnh vực mà ngân hàng này tài trợ đều có kịch bản chuyển đổi riêng, bao gồm phương pháp, phạm vi, mục tiêu, danh mục đầu tư và số liệu riêng. Bằng cách hỗ trợ các khách hàng hiện tại chuyển sang công nghệ ít khí thải, ING đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tính đến năm 2021, 5 trong số 9 lĩnh vực danh mục đầu tư của ING (điện, bất động sản nhà ở, ô tô, hàng hải, dầu khí) đã giảm thành công cường độ thải các-bon xuống dưới kịch bản khí hậu tiêu chuẩn được thiết lập. Tuy nhiên, cường độ thải các-bon của ngành xi măng, thép và bất động sản thương mại lại tăng từ 0,5% đến 3%, ngành hàng không có cường độ thải các-bon tăng tới 74,9%.

Ba là, bài học từ các chương trình tài trợ bởi Quỹ chuyên đề khí hậu Althelia (Althelia Climate Fund), với tổng mức đầu tư là 101 triệu USD. Mục tiêu của quỹ chuyên đề này là làm chậm nạn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. Quỹ khí hậu Althelia bắt đầu hoạt động từ năm 2013, và ngày thanh lý quỹ là tháng 5 năm 2023. Các nhà đầu tư của quỹ là các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, và các doanh nghiệp tư nhân. Althelia sử dụng nhiều cấu trúc tài chính khác nhau để tài trợ các dự án nhằm đạt được các mục tiêu xanh như chăn nuôi gia súc bền vững, phục hồi đồng cỏ và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, bảo vệ và phục hồi diện tích rừng. Một dự án nổi bật của Quỹ khí hậu Althelia là khoản cho vay 12 triệu euro để bảo tồn 570.000 ha rừng tự nhiên và phục hồi 4.000 ha đất bị thoái hóa dùng cho mục đích canh tác cây ca cao tại Peru, còn gọi là dự án Tambopata Bahuaja REDD+. (REDD+ viết tắt của Reducing emissions from deforestation and forest degradation - Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng). Hoạt động của quỹ Althelia được giám sát bởi Asociación para la Investigacióny el Desarrollo Integral (AIDER), một tổ chức phi chính phủ tại Peru hoạt động vì mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Khoản vay được hoàn trả thông qua các nguồn thu nhập đa dạng, chẳng hạn như thương mại hóa các sản phẩm nông lâm kết hợp. Dự án này đã giảm thiểu được 4,7 triệu tấn CO2, đồng thời bảo vệ được 574,605 ha rừng, 114 nông dân đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ, hơn 30 loài động thực vật được bảo vệ. Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc dự án năm 2020, thu nhập của nông dân tham gia dự án không tăng lên, do đó không đạt được tiêu chí đề ra.

Từ những bài học kể trên, có thể thấy vai trò quan trọng của chính sách hỗ trợ thuế và quá trình thực hiện chuyển đổi tài sản sang xanh tại nhiều lĩnh vực như xây dựng, ngân hàng hay trồng rừng gắn với phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, từ mục tiêu đến thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức khi ING vẫn chưa thành công trong việc tài trợ các ngành có cường độ thải các-bon cao như ngành xi măng, thép và bất động sản; hay Quỹ khí hậu Althelia còn chưa chứng minh được hiệu quả tài trợ khí hậu lên thu nhập của nông dân tham gia dự án.

4. THỰC TRẠNG THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM

Trong thập niên vừa qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị COP 26 tại Vương Quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, hành động quyết liệt nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động, như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030… Cùng với đó, nhiều văn bản pháp lý cũng đã được ban hành trong thời gian gần đây nhằm cụ thể hóa nỗ lực của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là:

Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và bảo vệ môi trường là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải, thúc đẩy phân loại xanh trên phạm vi cả nước thực hiện cam kết tại COP26.

Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với 1.912 cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Có thể khẳng định, các chương trình, đề án, Chiến lược hành động của Việt Nam đã được ban hành tương đối đồng bộ, thể hiện cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế các-bon thấp. Các chính sách liên quan tới tài chính bền vững (bao gồm tài chính xanh và tài chính khí hậu) của Việt Nam thời gian qua hướng tới những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, chi NSNN theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường (mức kinh phí không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN).

Thứ hai, chính sách thuế, phí đã được chú trọng đối với các doanh nghiệp có tác động tích cực tới môi trường, ví dụ như là áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (10%) đối với doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; doanh nghiệp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường.

Thứ ba, chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Cụ thể như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho vay với lãi suất ưu đãi không quá 50% lãi suất cho vay thương mại đối với các dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Có thể nói, Chính phủ đã rất quyết liệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu nhất quán là thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn. Dư nợ tín dụng cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn chiếm tỷ trọng nhỏ và chưa được triển khai rộng rãi, thị trường tài chính khí hậu mới ở giai đoạn thí điểm ban đầu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh ước tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 20 tỷ USD, chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các khoản vay chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lí nước bền vững (chiếm khoảng 13%), còn lại là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Một điểm đáng lưu ý đó là Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đánh giá chi tiết về hiệu quả của các dự án tác động đến môi trường, xã hội và thành phần kinh tế tham gia dự án. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 380 tỷ USD (số liệu của Ngân hàng Thế giới). Để huy động được đủ nguồn lực tài chính, Việt Nam cần tận dụng tốt nguồn tài chính từ quốc tế và trong nước, từ chính phủ và cả khu vực kinh tế tư nhân, cũng như xây dựng và vận hành được thị trường tài chính khí hậu hiệu quả cao.

5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Báo cáo của COP 23 năm 2017, Đồng bằng Sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 10 đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các thách thức đối với Việt Nam về biến đổi khí hậu là rõ ràng. Trong bối cảnh đó, tài chính khí hậu được coi là chìa khóa, là vấn đề then chốt để giải bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất 5 nhóm giải pháp cơ bản như sau:

(i) Đầu tiên, cần có hệ thống định giá đầy đủ và chính xác các phương án rủi ro khí hậu có thể xảy ra. Chủ động nghiên cứu ưu, nhược điểm của các phương án định giá đang được áp dụng trên thế giới sẽ giúp Chính phủ Việt Nam có một kết quả chính xác về hiệu quả các công cụ, từ đó đưa ra được chính sách thúc đẩy thị trường phù hợp.

(ii) Tập trung nghiên cứu các công cụ tài chính mới hiệu quả như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, các sản phẩm phái sinh, các sản phẩm tài chính bảo tồn sinh thái hay môi trường…

(iii) Mở rộng danh mục các nhà tài trợ tài chính khí hậu tiềm năng. Cần nghiên cứu thêm và thành lập các tổ chức chuyên biệt, các quỹ đầu tư chuyên đề khí hậu, đồng thời bổ sung khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tài chính mới này. Ngoài ra, cần mở rộng nguồn lực tài chính khí hậu sang khu vực tư nhân, với định hướng khu vực này sẽ cung cấp khoảng 70% tổng nhu cầu tài chính khí hậu.

(iv) Mở rộng nguồn lực tài chính từ sự tham gia của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nguồn vốn ODA, các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO).

(v) Tăng cường quản trị hiệu quả đánh giá tác động khí hậu. Nhóm giải pháp này rất quan trọng khi đánh giá kết quả triển khai, đặc biệt khi thị trường tài chính khí hậu bước vào giai đoạn phát triển ở quy mô lớn.

Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, vai trò điều tiết, tạo lập thị trường của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Bằng cách đặt ra ‘luật chơi’ một cách chính xác, Chính phủ có vai trò mở khóa thị trường tài chính khí hậu, điều tiết thị trường để huy động và phân bổ vốn hiệu quả.

Một số khuyến nghị cho Chính phủ trong quá trình xây dựng chiến lược, tạo dựng thị trường và thúc đẩy tài chính khí hậu được nhóm tác giả đề xuất như sau:

Một là, Chính phủ cần xác định mức giảm thiểu khí hậu cần thiết trong mỗi ngành nghề khác nhau. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần phải thiết lập các nguyên tắc phân loại chuyển đổi và theo dõi việc chuyển đổi để có thể xác định chính xác mức độ giảm thải các-bon của các dự án và các công nghệ được khuyến khích, từ đó xây dựng khung pháp lý và lựa chọn các phương pháp định giá chính xác và đầy đủ các rủi ro khí hậu. Trong đó, Chính phủ cần tập trung vào đổi mới trong các ngành công nghiệp có mức thải các-bon cao như xi măng, thép, hóa chất và vận tải hạng nặng. Đây là các ngành không thể dễ dàng cắt giảm khí thải do hạn chế về công nghệ và chi phí chuyển đổi. Điều này giúp đảm bảo những ngành công nghiệp sử dụng nhiều các-bon này - những ngành có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lớn nhất- không bị các nhà tài trợ bỏ qua mà được khuyến khích giảm thiểu tác động.

Hai là, cần tạo lập được môi trường đầu tư tư nhân minh bạch và hiệu quả để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia tài trợ cho tài chính khí hậu. Thực tế cho thấy, việc thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều cản trở do mức độ hấp dẫn về mặt lợi nhuận của những dự án đó đối với các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế chưa cao. Chính phủ cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hướng tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn, thay vì mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn nhưng thiếu bền vững, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Ví dụ, Chính phủ nên đưa vào các quy định về định giá ô nhiễm, đưa ra yêu cầu đầu tư vào tín dụng đa dạng sinh học...

Ba là, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường hơn, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, giảm cường độ phát thải khí nhà kính tốt hơn. Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, trợ cấp và ưu đãi thuế là một trong những đòn bẩy có tác động mạnh nhất để tái phân bổ nguồn tài chính nhằm hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.

Bốn là, Chính phủ cần ban hành cơ chế giám sát, kiểm soát rủi ro môi trường hiệu quả. Chẳng hạn như ban hành các quy định bắt buộc các doanh nghiệp công khai các báo cáo tác động môi trường, đồng thời xây dựng được chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Hiện nay, các quy định, chế tài nhìn chung chưa đủ để doanh nghiệp thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, việc ban hành chính sách và thực thi chính sách kiểm soát rủi ro môi trường là rất quan trọng. Cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tránh tình trạng làm hình thức, dẫn tới nhiều doanh nghiệp tìm cách “tẩy xanh”, trốn tránh việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Năm là, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp thay đổi sâu sắc hành vi người tiêu dùng có ảnh hưởng tới khí hậu và môi trường. Hướng tới nền kinh tế các-bon thấp đòi hỏi những thay đổi gốc rễ, chẳng hạn như giáo dục và hỗ trợ việc chuyển hướng sang các thói quen tiêu dùng bền vững hơn. Do đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có các biện pháp bổ sung khác nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Althelia Climate Fund website: https://althelia.com/wp-conten...

- Climate Bonds Initiative, Sustainable Debt Global State of the Market 2021

- Climate Bonds Initiative, UK Climate Bonds Initiative

- Climate Change Assosication & Finance For Tomorrow, Global synthesis report on climate finance 2022

- Energy Information Administration website: https://www.eia.gov/

- ING website: https://www.ing.com/Home.htm

- Net-Zero Asset Owner Alliance website: https://www.unepfi.org/net-zer...

- Net-Zero Manager Initiative website: https://www.netzeroassetmanage...

- United Nations Environment Programme Finance Initiative website: https://unfccc.int/

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO