Tính đến ngày 30/6, tổng vốn cam kết của IFC tại Việt Nam đạt hơn 1,6 tỷ USD, trong đó hơn 750 triệu USD là đầu tư dài hạn. Đặc biệt, IFC đã cam kết đầu tư dài hạn lên đến 310 triệu USD cho các dự án giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương.
Thông tin trên được đưa ra trong thông báo tổng kết hoạt động của IFC tại Việt Nam trong năm tài chính 2024 (kết thúc vào ngày 30/6/2024) được công bố ngày 14/11.
IFC cho biết, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam, công ty đã gia tăng đầu tư dài hạn trong năm 2024 với trọng tâm là tài chính khí hậu. Tính đến ngày 30/6, tổng vốn cam kết của IFC tại Việt Nam năm 2024 đạt hơn 1,6 tỷ USD, trong đó hơn 750 triệu USD là đầu tư dài hạn. Đặc biệt, IFC đã cam kết đầu tư dài hạn lên đến 310 triệu USD từ nguồn vốn của riêng mình cho các dự án giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương. Việt Nam đã nhận được tổng cam kết tài chính khí hậu từ nguồn vốn của riêng IFC lớn nhất khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2024.
Các chương trình đầu tư và tư vấn tại Việt Nam cũng giúp giải quyết nhiều thách thức căn bản khác của quá trình phát triển, từ an ninh lương thực và tạo thuận lợi thương mại đến năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất chế tạo. Đáng chú ý, IFC đã cung cấp 896 triệu USD vốn ngắn hạn tài trợ thương mại và tài trợ chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, tăng trưởng sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm.
IFC đã hỗ trợ trái phiếu xanh lam đầu tiên của Việt Nam và trái phiếu xanh lá do Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát hành nhằm giúp thúc đẩy một nền kinh tế biển bền vững và gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. SeABank cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lá tại Việt Nam với sự hỗ trợ của IFC. IFC cũng đã kết nối thành công thương vụ đầu tư 75 triệu USD của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) vào các trái phiếu xanh do SeABank phát hành.
IFC cũng xúc tiến một dự án phát hành trái phiếu đầu tiên khác tại Việt Nam - trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) và công ty con là Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành, giúp thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững hơn. Bên cạnh khoản đầu tư tài chính, IFC còn hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp khách hàng xây dựng các khung tài chính bền vững, tạo tiền đề để tăng quy mô đầu tư vào khí hậu.
Để thúc đẩy xanh hóa khu vực ngân hàng, IFC đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quy định quản lý rủi ro môi trường, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và giúp các ngân hàng trong nước tăng cường hệ thống quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến môi trường và khí hậu. Ngoài ra, IFC cùng với các đối tác phát triển khác đang hỗ trợ các cơ quan quản lý để xây dựng hệ thống phân loại xanh cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực phi tài chính, IFC cũng tư vấn cho các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp về canh tác lúa bền vững và các nhà sản xuất chế tạo về việc áp dụng các giải pháp xanh hơn trong những ngành công nghiệp phát thải nhiều các-bon.
Với sự hỗ trợ của IFC trong việc cải thiện khung pháp lý của Việt Nam về thị trường các-bon, nghị định sửa đổi về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường các-bon dự kiến sẽ sớm được ban hành. Các nỗ lực cũng tập trung vào việc thúc đẩy các biện pháp giảm khí nhà kính trong ngành chăn nuôi và tạo điều kiện cho các công ty chăn nuôi Việt Nam tham gia vào thị trường các-bon sau khi áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát thải.
Trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, vốn là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, IFC đã hợp tác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ra mắt một chương trình tài trợ chuỗi cung ứng với tổng số vốn 30 triệu USD để hỗ trợ các nhà xuất nhập khẩu trong nước, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu cà phê.
IFC và Tập đoàn Tài chính Welcome cũng đã đồng hành cam kết một thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 60 triệu USD với mục tiêu giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu để giải phóng vốn cho các khoản vay mới và tạo điều kiện để những người đi vay mất khả năng trả nợ khôi phục lại mức độ tin cậy tín dụng của họ.