Hoạt động ngân hàng

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Sóc Trăng: Khi ý Đảng hợp với lòng dân

ThS. Trần Trọng Triết 27/08/2024 08:44

Sau 1 thập niên triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ở tỉnh Sóc Trăng, tín dụng chính sách xã hội đã có sự chuyển biến rõ nét, qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trên cơ sở hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân...

a2-gd-xa-thien-my-ch-thanh_5799.jpg

Những chuyển biến về tín dụng chính sách

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, với điều kiện địa hình và khí hậu khắc nghiệt, chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình hạn hán. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Địa bàn sinh sống chủ yếu là vùng sâu, vùng ven biển, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán…

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong những năm qua Sóc Trăng đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách để lãnh đạo triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đáng chú ý, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn...

Sau 1 thập niên triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng thuận lợi, chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Việc bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2014 - 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả. Theo đó, nguồn ngân sách địa phương đã chuyển sang NHCSXH số tiền trên 339 tỷ đồng, chiếm 6,08%/tổng nguồn vốn, tăng 293 tỷ đồng, gấp 7,4 lần so với trước khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh chuyển sang trên 197 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố chuyển sang 121 tỷ đồng; nguồn vốn từ cuộc vận động Vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phát động và nguồn vốn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội 21 tỷ đồng…

Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ở địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đáp ứng tương đối đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng khác... 10 năm qua, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân cho vay trên 739.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 13.786 tỷ đồng.

Đến nay, hầu hết hộ vay vốn NHCSXH ở Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đã biết cách làm ăn, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế “tín dụng đen”.

Thành tựu của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở địa phương Tín dụng chính sách làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân được nâng lên góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, còn nhân lên niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng thôn, xã ấm no, hạnh phúc…

Tiếp tục đưa tín dụng chính sách đến gần người dân

Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Những năm gần đây, tại Sóc Trăng các đối tượng đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách được tổ chức bình xét công khai tại các tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư, dưới sự chứng kiến của trưởng ấp/khu phố và hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, UBND cấp xã xác nhận đủ điều kiện vay vốn gửi NHCSXH nơi cho vay. Công tác bình xét cho vay đã được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, bình xét cho vay đúng đối tượng, công khai và dân chủ, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách đúng quy định.

Thực hiện phương thức này, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện quản lý vốn tín dụng chính sách. Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm để tích lũy trả dần nợ gốc, trả lãi hàng tháng và thu, nộp cho ngân hàng; phối hợp xử lý những trường hợp bị rủi ro...

Thời gian tới Sóc Trăng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan. Đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo trật tự, an toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Sóc Trăng: Khi ý Đảng hợp với lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO