Hoạt động ngân hàng

An Giang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW về tín dụng chính sách

ThS.Trần Trọng Triết – ThS. Trần Thị Hải Giang 30/07/2024 - 15:55

Chiều ngày 30/7, Tỉnh Ủy tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

z5682401467413_a2c3c76fb2159f621a3c47d8ae95a376.jpg
An Giang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang luôn quan tâm theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh từ khâu tổ chức hoạt động, hỗ trợ cơ sở vật chất; chỉ đạo chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Đáng chú ý, qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW, NHCSXH tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, là kênh cung cấp tín dụng ưu đãi quan trọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay đã triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tăng 8 chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40/CT-TW.

Số liệu từ báo cáo tổng kết cho thấy, trong 10 năm doanh số cho vay đạt 9.786 tỷ đồng, với 365.257 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 5.717 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.268,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nguồn vốn trung ương là 4.931,4 tỷ đồng, chiếm 93,61% tổng dư nợ; dư nợ nguồn vốn ủy thác địa phương là 336,9 tỷ đồng, chiếm 6,39% tổng dư nợ.

Một số chương trình có dư nợ lớn như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 978,2 tỷ đồng, chiếm 18,57%; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 949,9 tỷ đồng, chiếm 18,03%; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 839,8 tỷ đồng, chiếm 15,94%; hộ mới thoát nghèo là 804,9 tỷ đồng, chiếm 18,28%; hộ cận nghèo 767,8 tỷ đồng, chiếm 14,57%; hộ nghèo 242,4 tỷ đồng, chiếm 4,60%; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 232,4 tỷ đồng, chiếm 4,41%; nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 203,9 tỷ đồng, chiếm 3,87%…

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 365.257 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính khác được vay vốn, qua đó, góp phần giúp cho 62.883 số hộ thoát nghèo, giúp trang trải chi phí học tập cho 91.311 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề, đã giải quyết việc làm cho 35.387 lao động tại địa phương, cho vay trang trải chi phí lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 854 đối tượng, đã giải ngân cho 112.884 hộ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, giúp 4.751 hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.

Về nguồn vốn huy động đạt 608,368 tỷ đồng, tăng 562,657 tỷ đồng so với năm 2014 trước khi có Chỉ thị 40/CT-TW, tăng 13,3 lần. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác sang NHCSXH là 336,535 tỷ đồng, tăng 244,274 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó: ngân sách tỉnh đạt 215,015 tỷ đồng, tăng 130,193 tỷ đồng; ngân sách huyện đạt 121,520 tỷ đồng, tăng 114,081 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, nên đến nay nguồn vốn ủy thác của địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh chỉ chiếm 6,58% tổng nguồn vốn 347,4 tỷ, còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu phấn đấu đến đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm từ 10% đến 12%/tổng nguồn vốn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực tỉnh An Giang nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, cơ quan liên quan của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhận thức sâu sắc, có sự tập trung trong tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi đến với cán bộ Hội, hội viên; phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của người dân - nhất là những người thuộc diện đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi, từ đó, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, góp phần tích cực vào việc cho vay một số đối tượng mà nguồn vốn Trung ương hiện chưa đáp ứng, giúp địa phương thực hiện các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW về tín dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO