Ngày 20/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP năm 2023 việc tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Nghị quyết 148/NQ-CP cho biết, ngày 16/6/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 về nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14) từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Tại Nghị quyết 63/2022/QH15, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Để đảm bảo việc triển khai một cách có hiệu quả Nghị quyết 42 trong thời gian Nghị Quyết được kéo dài, Chính phủ yêu cầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện một số công việc trọng tâm.
Về thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến: NHNN Việt Nam tổ chức quán triệt nội dung về việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt nội dung và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết số 42/2017/QH14…
Nghị quyết nêu rõ một số Bộ, ngành, các địa phương triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14. Cụ thể,
Bộ Tư pháp, tiếp tục chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm thu hồi lớn nhất; đồng thời, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và quy định pháp luật có liên quan; Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất.
Bộ Công an kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; đảm bảo việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật; Chỉ đạo Công an các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy trình công tác đảm bảo an ninh trật tự quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42” nhằm hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự cho các tổ chức tín dụng, VAMC trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tới các cấp chính quyền cơ sở (cấp phường, xã) để hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và phân công trách nhiệm hỗ trợ quá trình tổ chức tín dụng, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu thực hiện phương án thu giữ tài sản bảo đảm; Tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự và chỉ đạo sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp có hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị và những vụ việc cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành tại địa phương.
Các Bộ, cơ quan chủ quản chỉ đạo các tập đoàn, công ty, đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ trả nợ/nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong ngành Ngân hàng; Triển khai thực hiện các giải pháp được nêu tại Phụ lục 01 đính kèm Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Về xây dựng và hoàn thiện văn bản, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm đầu mối phối hợp với Bộ, ngành có liên quan để đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 63/2022/QH15 và Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này, trường hợp phát sinh vướng mắc cần kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.